“Lùa gà chứng khoán” là gì? Người có hành vi “lùa gà” sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
“Lùa gà chứng khoán” là gì? Người có hành vi “lùa gà” sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
VANTHONGLAW - Trong
những năm gần đây, thị trường chứng khoán đã có sự bùng nổ mạnh mẽ kéo theo đó
là những rủi ro tiềm tàng cũng như là những cạm bẫy tài chính mà các nhà đầu tư
phải đối mặt. Một trong những cạm bẫy phổ biến và đang được lên án mạnh mẽ
trong lĩnh vực này là hiện tượng “lùa gà chứng khoán”. Bài viết pháp lý này sẽ
giúp người đọc hiểu thêm về hiện tượng lùa gà này.
“Lùa gà” theo nghĩa đen là hành vi của cá nhân lùa đàn gà vào chuồng.
Nhưng theo cách hiểu ngày nay, “gà” thường được dùng để chỉ những người chưa có
kinh nghiệm hoặc hiểu biết về một lĩnh vực nào đó. Từ đó, ta có thể hình dung
được hành vi “lùa gà” mà mọi người thường dùng ngày nay là để chỉ một người hoặc
một nhóm người, tổ chức có kinh nghiệm trong một lĩnh vực cụ thể bằng các thủ
đoạn, hành vi gian dối dẫn dắt những người chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực
đó vào chuồng (bẫy) mà họ đặt ra.
Như vậy, “lùa gà chứng khoán” được hiểu là những người có kinh nghiệm
trong lĩnh vực chứng khoán bằng hành vi gian dối tạo ra những thông tin giả nhằm
dẫn dắt những nhà đầu tư mới tham gia vào bẫy chứng khoán mà họ đặt ra để thu lợi
nhuận.
Hành vi lùa gà chứng khoán sẽ có những biểu hiện như sau:
- Biết rõ sản phẩm, dịch vụ mình giới thiệu, quảng cáo không có lợi nhuận mà còn phải chịu rủi ro cao nhưng lại che giấu sự thật, không nói với khách hàng;
- Biết chắc rằng khi một người rót tiền mua sản phẩm, dịch vụ sẽ phải chịu thiệt hại nhưng vẫn cam kết và thúc đẩy người mua;
- Chỉ quan tâm đến việc hưởng lợi của bản thân bất chấp thiệt hại của người khác.
Một vài ví dụ về hành vi lùa gà hiện nay:
- Một người đi dạy các khóa học về tài chính, kinh tế, chứng khoán lợi dụng sự tin tưởng của người khác để quảng cáo, chào bán các loại chứng khoán có độ rủi ro cao, không sinh lợi nhằm hưởng lợi.
- Một người hay chia sẻ các bài viết, kiến thức về chứng khoán trên trang cá nhân, blog và thường xuyên chia sẻ về sự thành công của họ khi đầu tư vào chứng khoán. Từ đó, có được sự tin tưởng của mọi người để quảng cáo trá hình các loại chứng khoán rủi ro, không sinh lợi nhuận nhằm hưởng lợi từ những người chưa am hiểu về thị trường chứng khoán,...
Một điểm chung của những người lùa gà chứng khoán hiện nay là thường phô
trương rất nhiều về sự thành công cũng như là kiến thức trên thị trường chứng
khoán nhằm tạo dựng thương hiệu, lòng tin từ những nhà đầu tư mới bước chân vào
lĩnh vực này mà chưa có sự am hiểu nhất định về nó. Tuy nhiên, không phải bất kỳ
cá nhân nào phô trương về sự thành công của họ cũng vì mục đích lùa gà mà trên
thực tế vẫn có nhiều cá nhân rất am hiểu và thành công trong lĩnh vực đầu tư chứng
khoán. Chính vì vậy, mỗi cá nhân trước khi tham gia đầu tư chứng khoán cần phải
trang bị một kiến thức nền vững chắc về chứng khoán để tránh rơi vào trường hợp
bị một nhóm người “lùa gà”.
Hành vi lùa gà của các cá nhân, tổ chức là một hành vi trái pháp luật và
gây ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán nước ta, gây ra những biến động và
cái nhìn tiêu cực về về thị trường chứng khoán Việt Nam. Điển hình gần đây nhất
là vụ việc “thổi giá” cổ phiếu để “lùa gà” của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công
ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã gây tổn thất lớn về kinh tế cho rất nhiều nhà đầu
tư. Theo quy định của pháp luật, những hành vi gian dối như lùa gà nhằm mục
đích hưởng lợi gây ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán sẽ phải chịu trách
nhiệm như sau:
1.
Xử phạt hành chính:
Theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2021/NĐ-CP thì các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm:
- Vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ;
- Vi phạm quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam;
- Vi phạm quy định về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài và phát hành chứng khoán mới làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài hoặc hỗ trợ phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành tại Việt Nam;
- Vi phạm quy định phát hành thêm cổ phiếu;
- Vi phạm quy định về công ty đại chúng;
- Vi phạm quy định về chào mua công khai;
- Vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán;
- Vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán;
- Vi phạm quy định về kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán; vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán;
- Vi phạm quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký;
- Vi phạm quy định công bố thông tin và báo cáo; vi phạm quy định về kiểm toán công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
- Vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
- Vi phạm quy định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với các hành vi vi phạm hành chính trên, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP
được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2021/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt
bao gồm:
● Hình thức xử phạt chính:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng;
- Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
● Hình thức xử phạt bổ sung:
- Đình chỉ hoạt động chào mua công khai; hoạt động kinh doanh, dịch vụ
chứng khoán; hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán; hoạt động văn phòng đại
diện; hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; giao dịch chứng khoán
hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn từ 01
tháng đến 12 tháng;
- Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện,
chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng, trong trường
hợp không áp dụng là hình thức xử phạt chính theo quy định tại điểm d khoản 1
Điều 4 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP;
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi
phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
● Biện pháp khắc phục hậu quả:
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm
hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán mà còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc
phục hậu quả
theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị
định số 128/2021/NĐ-CP.
2. Trách nhiệm hình sự:
Ngoài ra, nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức có
hành vi “lùa gà” còn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội như sau:
- Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt
động chứng khoán tại Điều 209 BLHS;
- Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán theo quy định tại
Điều 210 BLHS;
- Tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 211 BLHS;
- Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán theo
quy định tại Điều 212 BLHS.
3.
Trách nhiệm dân sự:
Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi của tổ chức, cá nhân đó đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những nhà đầu tư là người bị hại của các tổ chức, cá nhân lùa gà này cũng có thể khởi kiện yêu cầu các cá nhân, tổ chức đó phải bồi thường thiệt hại cho mình theo quy định của pháp luật dân sự.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ