Đề xuất bỏ khung giá đất trong Dự thảo Luật đất đai 2022 (sửa đổi)
Đề xuất bỏ khung giá đất trong Dự thảo Luật đất đai 2022 (sửa đổi)
Dự thảo Luật Đất
đai (sửa đổi) có tổng cộng 16 Chương và 237 Điều, trong đó giữ nguyên 48 Điều
và sửa đổi, bổ sung 153 Điều; bổ sung mới 36 Điều và bãi bỏ 8 Điều. Trong đó,
quyết sách được xã hội mong chờ và nhận được nhiều luồng ý kiến nhất là cơ chế
bỏ khung giá đất, thay vào đó xác định giá đất theo giá thị trường.
Theo đó, tại Điều 113 Luật Đất đai (2013) quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ
5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực
hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở
lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung
giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo
chia sẻ của Bộ Tài Nguyên và môi trường, quá trình thực hiện thời gian qua cho
thấy khung giá đất không theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh
kịp thời, biên độ quá rộng. Chính vì vậy, để thực hiện chủ trương của Đảng về
hoàn thiện cơ chế định giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bỏ quy định
khung giá đất và xác định giá đất theo giá thị trường. Quy định này được xem là
mang tính đột phá, góp phần giải phóng giá đất tại địa phương, giúp người dân
nhận được bồi thường xứng đáng hơn.
Bên cạnh đó, việc
bỏ khung giá đất còn mang lại các mặt tích cực:
- Giá đất cao lên, tuy nhiên đó là giá trị thực chứ không phải giá ảo;
- Không còn hiện tượng hai loại giá, tránh được tình trạng người dân kê khai giá đất thấp hơn thực tế để giảm thuế;
- Đảm bảo người
dân được hưởng mức chi phí bồi thường hợp lý khi bị thu hồi đất → tạo điều kiện
thuận lợi hơn khi có thực hiện thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, ngoài
những lợi thế nêu trên khi bỏ khung giá đất thì cũng có những ý kiến trái chiều
rằng liệu Nhà nước có đủ tiềm lực tài chính và nhân lực để thực hiện cuộc cải
cách này không. Ngoài ra, rất nhiều người dân cũng lo lắng rằng khi bỏ khung
giá đất thì giá đất có bị thổi phồng lên quá cao không dẫn đến người dân khó tiếp
cận được và Nhà nước cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đền bù, giải tỏa.
Để lý giải cho câu hỏi trên, các chuyên gia cho rằng khi Nhà nước loại bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo giá thị trường thì Nhà nước sẽ có các phương pháp nhằm xác định giá đất chính xác nhất có thể (hoặc là sử dụng các kênh thông tin hoặc là tham khảo ý kiến của các chuyên gia định giá,...). Ngoài ra, theo chia sẻ của Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ: “Giá đất theo giá thị trường sẽ được tính theo ngày, theo tuần, theo tháng chứ không phải tính theo 5 năm một lần như hiện nay. Giá bất động sản sẽ được điều chỉnh bằng quy luật cung cầu. Giá cao không có người mua thì giá nhà đất phải xuống và xu hướng xuống sẽ là nhiều.” Như vậy, người dân có thể phần nào an tâm rằng cơ chế bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo giá thị trường sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực hơn là tiêu cực khi được thông qua.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ