Quyền và nghĩa vụ của những người trong cộng đồng LGBT tại Việt Nam
Quyền và nghĩa vụ của những người trong cộng đồng LGBT tại Việt Nam
1. Tìm hiểu về thuật ngữ LGBT:
Trước khi đi vào tìm hiểu LGBT là gì, ta cần phải hiểu rõ các khái niệm cơ bản sau đây:
- Giới: là từ chỉ hành vi, vai trò được xem là chuẩn mực cho đàn ông và đàn bà, chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, xã hội trong quá trình lớn lên, giao tiếp, hình thành nhân cách (Giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới là đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội);
- Giới tính (giới tính sinh học): là những đặc điểm sinh học để xác định một người là nam hay nữ (được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Bình đẳng giới);
- Bản dạng giới (Gender Identity): là cảm nhận bên trong của một người về giới tính của mình;
- Xu hướng tính dục: Là sự hấp dẫn về tình cảm hoặc tình dục hoặc cả hai đối với người khác (được thể hiện một cách bền vững).
* Cần lưu ý rằng bản dạng giới và xu hướng tính dục không đồng nhất với nhau. Bản dạng giới là cảm nhận của một người về giới tính của mình (ví dụ: một người có giới tính sinh học là nam nhưng cảm nhận mình là nữ và muốn được gọi là cô/chị); Xu hướng tính dục là sự hấp dẫn về tình cảm hoặc tình dục đối với người khác (ví dụ: một người có giới tính sinh học là nam, bản dạng giới là nữ nhưng thích nữ).
LGBT là một cụm từ được hình thành từ chữ cái đầu của các xu hướng tính dục của một người gồm:
- L - Lesbian: dùng để mô tả người nữ bị thu hút bởi người phụ nữ khác;
- G - Gay: dùng để mô tả người nam bị thu hút bởi người nam khác;
- B - Bisexual: dùng để mô tả một người bị thu hút bởi cả hai phái nam và nữ;
- T - Transgender: dùng để nói về những người chuyển giới - người có bản dạng giới không trùng với cơ thể sinh học của họ khi sinh ra (người chuyển giới không nhất thiết phải là người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính).
Theo đó, cụm từ LGBT bắt đầu xuất hiện vào năm 1990 được dùng để thay thế cho thuật ngữ gay. Bởi lẽ vào nửa cuối thập kỷ 1980, các nhà xã hội học lúc bấy giờ cho rằng cộng đồng gay không còn phù hợp và chính xác để mô tả nhóm người mà thuật ngữ đó hướng đến. Tại Việt Nam, cụm từ LGBT được xuất hiện vào khoảng cuối thập niên 2000.
Ngoài ra, cụm từ LGBT còn được mở rộng đối tượng thành LGBT+ hoặc LGBTQ+, trong đó:
- Q - Queer: dùng để mô tả người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhóm nào kể trên/Questioning: dùng để chỉ người đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân;
- Dấu “+”: dùng để chỉ những người không thuộc nhóm trên (ví dụ: phi nhị nguyên giới).
2. Quyền và nghĩa vụ của LGBT tại Việt Nam:
Năm 1948, Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người khẳng định quyền con người nói chung, trong đó có đề cập đến quyền của những người thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, trên thực tế những người thuộc cộng đồng LGBT vẫn còn phải chịu nhiều sự kỳ thị, phân biệt và đối xử bất công thậm chí là bị đánh đập, áp bức và bị xâm hại đến các quyền cơ bản của con người. Mỗi cá nhân trên xã hội không bao giờ là giống nhau, tuy nhiên chỉ vì có sự khác biệt về giới tính sinh học và bản dạng giới/xu hướng tính dục so với đại đa số mọi người thì những cá nhân trên lại được xem là kỳ lạ và bị đối xử không công bằng. Trong quá trình phát triển, những người thuộc cộng đồng LGBT hay LGBTQ+ kể trên đã luôn luôn phải nỗ lực, đấu tranh để đảm bảo được các quyền và nghĩa vụ cơ bản của họ. Chính vì vậy, kể từ những năm 90 của thế kỷ XX kéo dài cho những năm đầu của thế kỷ XXI, Liên hợp Quốc đã rất quan tâm đến các vấn đề về nhân quyền nói chung và quyền của những người thuộc cộng đồng LGBT nói riêng.
Tại Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận về quyền và nghĩa vụ của những người thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam được xem là nước dẫn đầu Đông Nam Á trong việc công nhận các quyền của người thuộc cộng đồng LGBT thể hiện ở việc vào ngày 24/11/2015, quyền chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam sau khi Bộ luật dân sự sửa đổi 2015 cho phép chuyển đổi giới tính và thay đổi nhân thân, hộ tịch sau chuyển đổi được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, còn thể hiện ở việc Luật Hôn nhân gia đình 2014 bãi bỏ quy định về cấm kết hôn đồng giới, thay vào đó pháp luật chỉ dừng ở mức không công nhận hôn nhân đồng giới.
Theo đó, tại Việt Nam, những người thuộc cộng đồng LGBT có các quyền như sau:
- Quyền hoạt động tình dục đồng giới (không cấm quan hệ tình dục đồng giới);
- Không bị phân biệt đối xử trong nơi làm việc, trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ và trong tất cả các lĩnh vực khác (tại Việt Nam không có quy định nào về phân biệt đối xử giới tính);
- Được nhận nuôi (pháp luật quy định việc nhận con nuôi không phân biệt xu hướng tính dục);
- Được phục vụ trong quân đội;
- Được thay đổi giới tính hợp pháp;
- Được phép hiến máu;
- Quyền con người và các quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Bên cạnh các quyền mà người thuộc cộng đồng LGBT có thì họ cũng có những nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội. Bởi lẽ, quyền công dân không được tách rời với nghĩa vụ công dân. Theo đó, những người thuộc cộng đồng LGBT sẽ có những nghĩa vụ được quy định trong Hiến pháp và trong các quy định pháp luật vì họ có quyền bình đẳng trước pháp luật. Quy định về quyền và nghĩa vụ của những người thuộc cộng đồng LGBT cũng đồng thời thể hiện quan điểm của Nhà nước là công nhận quyền công dân cũng như không phân biệt và kỳ thị họ.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ