Sản phẩm tương tự theo khung pháp lý của WTO và một số phán quyết đáng chú ý.
Sản phẩm tương tự theo khung pháp lý của WTO và một số phán quyết đáng chú ý.
VANTHONGLAW - WTO là tên viết tắt của World
Trade Organization – Tổ chức Thương mại thế giới, được thành lập vào ngày
01/01/1995 theo Hợp đồng Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới ký tại Marrakesh
ngày 15/1994. Hiện nay số lượng thành viên của WTO gồm 164 nước thành viên,
trong đó, Việt Nam là nước thứ 150. Theo quy định tại khoản 1 Điều II về phạm
vi của WTO thì WTO là một khuôn khổ những chế định chung để điều chỉnh các mối
quan hệ thương mại giữ các Thành viên của tổ chức thông qua các Hiệp định và
các văn bản pháp lý không tách rời, mang tính ràng buộc đối với tất cả các
Thành viên của tổ chức.
Bài liên quan:
Với những ai có sự quan tâm về WTO nói chung hay vụ kiện giữa các nước thành viên nói chung chắc hẳn không mấy xa lạ đối với khái niệm “sản phẩm tương tự”, khái niệm này được quy định rải rác trong hệ thống các Hiệp định thượng mại giữa các nước thành viên của WTO. Tuy nhiên, "sản phẩm tương tự" là một khái niệm gây tranh cãi không ít trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiện nay, bởi đây vừa là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của nước thành viên, vừa là căn cứ để xem xét liệu có hay không hành vi vi phạm Nguyên tắc Đối xử Tối huệ quốc (MFN) hoặc Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) hoặc căn cứ để xác định có hay không hành vi bán phá giá của nước thành viên.
1. Sản phẩm tương tự theo khung pháp lý của WTO:
Tại khoản 1 Điều I về Quy định chung về Đối xử Tối huệ quốc của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) nhắc đến khái niệm "sản phẩm tương tự" như sau:
“Với mọi khoản thuế quan và khoản thu thuộc bất cứ loại nào nhằm vào hay có liên hệ tới nhập khẩu và xuất khẩu hoặc đánh vào các khoản chuyển khoản để thanh toán hàng xuất nhập khẩu, hay phương thức đánh thuế hoặc áp dụng phụ thu nêu trên, hay với mọi luật lệ hay thủ tục trong xuất nhập khẩu và liên quan tới mọi nội dung đã được nêu tại khoản 2 và khoản 4 của Điều III,* mọi lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ được bất kỳ bên ký kết nào dành cho bất cứ một sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kỳ một nước nào khác sẽ được áp dụng cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên ký kết khác ngay lập tức và một cách không điều kiện.”
Từ quy định trên có thể hiểu, Nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc hay đối xử không phân biệt đối xử với các quốc gia thành viên của WTO là khi có bất kỳ lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ liên quan đến thuế quan, khoản thu bắt buộc, thủ tục,… trong chế độ xuất nhập khẩu của một nước thành viên được ký kết với một bên thứ 3 bất kỳ (có thể là thành viên của WTO hoặc không) áp dụng với một sản phẩm thì sẽ ngay lập tức phải áp dụng những ưu đãi, lợi thế, biệt đãi đó đối với sản phẩm tương tự được nhập hay xuất khẩu từ nước thành viên của WTO, mà nước đó có ký kết áp dụng Nguyên tắc tối huệ quốc, một cách vô điều kiện.
Trong đó, “sản phẩm tương tự” là một trong những căn cứ quan trọng để một nước thành viên có thể được áp dụng Nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc đối với sản phẩm của nước mình và xác định có hay không hành vi vi phạm nguyên tắc đã được cam kết thực hiện. Đồng thời, đây cũng là căn cứ quan trọng để chứng minh có hay không hành vi vi phạm Nguyên tắc Tối huệ quốc nêu trên.
Cũng tại Hiệp định trên tại khoản 4 Điều II về Đối xử quốc gia về thuế và quy tắc trong nước như sau:
“Sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào vào lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết khác sẽ được hưởng đãi ngộ không kém phần thuận lợi hơn sự đãi ngộ dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ nội về mặt luật pháp, quy tắc và các quy định tác động đến bán hàng, chào bán, mua, chuyên chở, phân phối hoặc sử dụng hàng trên thị trường nội địa. Các quy định của khoản này sẽ không ngăn cản việc áp dụng các khoản thu phí vận tải khác biệt chỉ hoàn toàn dựa vào yếu tố kinh tế trong khai thác kinh doanh các phương tiện vận tải và không dưạ vào quốc tịch của hàng hoá.”
Nếu "sản phẩm tương tự" được quy định tại MFN để làm cơ sở áp dụng ưu đãi đối với thủ tục thuế quan, khoản thu bắt buộc, thủ tục,… trong chế độ xuất nhập khẩu thì "sản phẩm tương tự" tại quy định nêu trên được làm căn cứ để các sản phẩm nhập khẩu từ nước thành viên khác được hưởng ưu đãi như sản phẩm nội địa nếu chúng được xem là "sản phẩm tương tự" với sản phẩm nội địa của nước thành viên còn lại. Các ưu đãi trong trường hợp này là các "khoản thuế nội địa" gồm: các khoản thuế, các khoản thu khác trong nội địa nước thành viên.
Điều 2.6 Hiệp định chống bán phá giá (ADA), sản phẩm tương tự được quy định như sau:
“Trong toàn bộ Hiệp định này, khái niệm “sản phẩm tương tự” sẽ được hiểu là sản phẩm giống hệt, tức là sản phẩm có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét, hoặc trong trường hợp không có sản phẩm nào như vậy thì là sản phẩm khác mặc dù không giống ở mọi đặc tính nhưng có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm được xem xét”
Theo đó, trong khuôn khổ của Hiệp định này sẽ có những tiêu chí cụ thể đối với “sản phẩm tương tự” như:
- Có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét,
- Hoặc có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm đang được xem xét.
Có thể thấy, Hiệp định chống bán phá giá đã đưa ra được tiêu chí cụ thể đối với khái niệm này thay vì chỉ quy định chung như 02 quy định đề cập ở trên. Tuy nhiên, những tiêu chí trên cũng chỉ mang tính tương đối và phạm vi điều chỉnh khá hẹp bởi bản chất của Hiệp định này là Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994).
2. Những tiêu chí xem xét "sản phẩm tương tự" có thể tham khảo:
Hiện nay, WTO không có những quy định cụ thể về tiêu chí đối với “sản phẩm tương tự” nhưng những tiêu chí về “sản phẩm tương tự” được xác lập bởi các nước thành viên phải đảm bảo tính phù hợp khách quan và quan trọng là không tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, trên thực tiễn cũng có một số tiêu chí để đánh giá “sản phẩm tương tự” đáng quan tâm như sau:
- Đối với dịch vụ sẽ đánh giá dựa trên Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm (mã CPC) của Liên Hiệp Quốc.
- Đối với hàng hòa sẽ đáng giá dựa trên:
- Thành phần, tính chất vật lý của sản phẩm đó;
- Mã hàng hóa theo biểu pháp luật của Tổ chức hải quan Thế giới (Mã HS);
- Thói quen của bên tiêu dùng ( mục đích của người sử dụng sản phẩm);…
Tuy nhiên, những tiêu chí nêu trên cũng giống những tiêu chí được quy định trong Hiệp định chống bán phá giá, đều chỉ mang tính chất tương đối chứ chưa khái quát được hết các tiêu chí cơ bản nhất có thể áp dụng trong mọi trường hợp.
Việc để trống các quy định, hay quy định còn chưa cụ thể liên quan đến “sản phẩm tương tự” của WTO gây nên khá nhiều khó khăn trong việc xác định sản phẩm tương tự hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng được xem như là một “quy định mở” nhằm tạo điều kiện hơn cho các nước thành viên khi ngành thương mại quốc tế nói chung luôn vận động một các nhanh chóng với muôn vàn loại hình sản phẩm có thể ra bất cứ lúc nào để tham gia vào các hoạt động thương mại. Vì vậy, việc đặt ra các tiêu chí quá cụ thể có thể gây ra sự kìm hãm phát triển đối với hoạt động thương mại giữa các nước thành viên so với việc để trống như hiện nay.
3. Những phán quyết đáng chú ý:
Để hiểu hơn về sản phẩm tương tự cũng như tiếp thu thêm những bài học kinh nghiệm cho pháp luật Việt Nam, ta có thể điểm qua những pháp quyết của Ban hội thẩm trong việc giải quyết những vụ tranh chấp liên quan đến sản phẩm tương tự:
a. Vụ kiện Nhật Bản về đồ uống có cồn:
- Bên khởi kiện: Hoa Kỳ, EU và Canada
- Bên bị kiện: Nhật Bản
- Nội dung: Các bên khởi kiện cho rằng mặt hàng rượu mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản đã bị phân biệt đối xử theo hệ thống thuế rượu của Nhật Bản, mà theo quan điểm của họ thì thuế suất đối với "shochu" thấp hơn đáng kể so với whisky, cognac và rượu trắng. Hoa Kỳ, EU và Canada khiếu kiện rằng luật thuế của Nhật Bản đã vi phạm khoản 2 điều III của GATT 1947. Cụ thể là Nhật Bản đã áp dụng các mức thế khác nhau cho những “sản phẩm tương tự” hay các “sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc thay thế nhau” giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước.
- Phán quyết của Ban Hội thẩm: Báo cáo của Ban hội thẩm kết luận rằng hệ thống thuế của Nhật Bản là không phù hợp với Điều III:2 của GATT 1994. Báo cáo đã được ban hành đến các thành viên WTO ngày 11/11/1996.
- Điểm đáng chú ý: Ban hội thẩm cho rằng để xác định sản phẩm tương tự hay sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc thay thế nhau thì phải căn cứ vào đặc tính của sản phẩm, bản chất tự nhiên và chất lượng sản phẩm, vào mục đích sử dụng cuối cùng của sản phẩm, căn cứ vào thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng, cũng như đáp ứng các tiêu chí khác trong bảng phân loại thuế quan. Căn cứ trên thị trường Nhật Bản, Ban Hội thẩm kết luận rằng Shochu và Vodka là những sản phẩm tương tự và Nhật Bản khi đánh thuế cao hơn đối với rượu Vodka đã vi phạm nghĩa vụ của Nhật Bản – với tư cách là thành viên của WTO về Nguyên tắc Đối xử Tối huệ quốc theo khoản 1 Điều 2 Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại
b. Vụ kiện Indonesia về ô tô:
- Bên khởi kiện: EC, Hoa Kỳ, Nhật Bản
- Bên bị kiện: Indonesia
- Nội dung: Các bên khởi kiện cho rằng biện pháp miễn thuế đối với “ô tô quốc gia” của Indonesia là vi phạm đồng thời cả Hiệp định TRIMs và Hiệp định SCM. Cụ thể, Quy định số 20/1996 của Indonesia đã quy định cơ cấu thuế như sau, trong đó ô tô chở khách trên 1600cc và xe jeep có hàm lượng nội địa dưới 60% sẽ phải nộp thuế 35%; ô tô chở khách dưới 1600cc, xe jeep có hàm lượng nội địa trên 60% và xe thương mại hạng nhẹ (trừ xe jeep sử dụng khí đốt) nộp thuế 20%; và xe ô tô quốc gia sẽ áp mức thuế 0%. Lưu ý rằng, một trong những yêu cầu để được chỉ định là “ô tô quốc gia” phải đáp ứng hàm lượng nội địa theo lộ trình là 20% vào cuối năm đầu tiên, 40% vào cuối năm thứ hai và 60% vào cuối năm năm thứ ba.
- Phán quyết của Ban hội thẩm: Phán quyết của Ban Hội Thẩm được ban hành tới các thành viên vào ngày 2 tháng 7 năm 1998. Ban Hội Thẩm kết luận rằng Indonesia đã vi phạm Điều I và II:2 của GATT 1994, Điều 2 của Hiệp định TRIMs và Điều 5(c) của Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) nhưng không vi phạm Điều 28.2 của Hiệp định SCM. Tuy nhiên Ban Hội Thẩm kết luận rằng nguyên đơn đã không chứng minh được rằng Indonesia đã vi phạm Điều 3 và 65.5 của Hiệp định TRIPS. Để biện luận cho mình, Indonesia cho rằng sở dĩ có mức thuế thấp là vì đây là những “hàng nhập khẩu được trợ cấp”
- Điểm đáng chú ý: Căn cứ Ban Hội thẩm xác định có hay không “sản phẩm tương tự” trong trường hợp này:
- Tham khảo Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm tại vụ Hàn Quốc - Đồ uống có cồn, xem xét đến các đặc tính vật lý của sản phẩm.
- Một sản phẩm chưa được lắp ráp cũng có thể là sản phẩm tương tự đối với một sản phẩm hoàn chỉnh. Theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa ( là hệ thống được tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số để phân loại hàng hóa được buôn bán trên phạm vi toàn thế giới của Tổ chức hải quan thế giới) việc phân loại hàng hóa không phụ thuộc vào việc hàng hóa đó hoàn thành hay chưa, hoặc đã được lắp ráp, mà dựa trên những đặc tính cơ bản của hàng hóa khi hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Có thể thấy, phân loại thuế quan là một trong những công cụ hữu ích trong việc phân tích sản phẩm rõ ràng hơn, trong trường hợp vụ án nêu trên là xác định có hay không sự tương tự giữa hai sản phẩm được xem xét.
Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG