Thủ tục ly hôn đơn phương theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình
Thủ tục ly hôn đơn phương theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình
1. Ly
hôn đơn phương là gì?
Pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định về hai trường hợp ly hôn là:
- Thuận tình ly hôn là trường hợp mà cả vợ và chồng đều thỏa thuận và đồng ý về việc ly hôn;
- Ly hôn theo yêu cầu của một bên (hay còn gọi là đơn phương ly hôn) là trường hợp mà một bên vợ/chồng có yêu cầu ly hôn mà bên còn lại không đồng ý.
Như vậy, ly hôn đơn phương hay ly hôn theo yêu cầu của một bên là quy định
nhằm cho phép các chủ thể có quyền định đoạt đời sống hôn nhân của mình bởi lẽ,
không phải ai cũng may mắn tìm cho mình được một người bạn đời lý tưởng để xây
dựng một đời sống hôn nhân lành mạnh, vui vẻ và hạnh phúc.
2. Điều
kiện để ly hôn đơn phương
Mặc dù điều khoản ly hôn đơn phương ra đời là nhằm mục đích tạo điều kiện để các chủ thể có cơ hội định đoạt hôn nhân của mình khi đời sống hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người yêu cầu đơn phương ly hôn vì những lý do không chính đáng và việc ly hôn đó có thể gây ảnh hưởng đến bên còn lại trong hôn nhân cũng như con cái trong gia đình. Chính vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã có những quy định nhằm giới hạn quyền đơn phương ly hôn của các chủ thể. Theo đó, Tòa án chỉ giải quyết các trường hợp đơn phương ly hôn vì những lý do cụ thể như sau:
- Vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được;
- Vợ/chồng của người yêu cầu đơn phương ly hôn là người bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt mà một bên do bị bệnh tâm thần hoặc
mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình mà có căn cứ
về việc vợ/chồng của người đó có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm
trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì cha, mẹ, người thân thích của người
đó có thể yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn.
Bên cạnh việc quy định về các trường hợp yêu cầu đơn phương ly hôn được
Tòa án giải quyết thì pháp luật Việt Nam cũng quy định trường hợp không được
yêu cầu đơn phương ly hôn là: trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc
nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không được yêu cầu ly hôn. Quy định
này nhằm bảo vệ người vợ và trẻ sơ sinh bởi lẽ trong giai đoạn mang thai và
chăm con dưới 12 tháng tuổi là giai đoạn nhạy cảm của phụ nữ và cũng là giai đoạn
quan trọng của trẻ nên cần có sự chăm sóc, che chở của người chồng, việc người
chồng yêu cầu ly hôn có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và có thể gây ra
những hậu quả nguy hiểm.
3. Thủ
tục đơn phương ly hôn:
Bước 1: Làm đơn xin ly hôn đơn phương
Theo đó, khi làm đơn xin ly hôn đơn phương, người làm đơn phải đảm bảo
đưa ra yêu cầu cụ thể đối với 04 vấn đề sau để Tòa án có cơ sở giải quyết:
a) Quan hệ hôn nhân:
Trình bày về lý do ly hôn và yêu cầu đơn phương ly hôn. Lý do đơn phương
ly hôn phải thỏa điều kiện để được ly hôn như trình bày ở trên.
b) Con chung:
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trừ trường hợp cha mẹ có thỏa thuận khác, việc xác định người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn sẽ theo nguyên tắc sau:
- Con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, về cơ bản, con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ trực tiếp nuôi dưỡng;
con từ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
c) Tài sản chung:
Người có yêu cầu đơn phương ly hôn phải trình bày về tài sản chung của vợ
chồng và yêu cầu chia tài sản như thế nào để Tòa án có cơ sở giải quyết. Trong
trường hợp người có yêu cầu đơn phương ly hôn không có nhu cầu chia tài sản thì
trình bày là không yêu cầu chia tài sản chung, khi đó Tòa án sẽ không tiến hành
giải quyết về yêu cầu này.
Nguyên tắc cơ bản để xác định tài sản chung, tài sản riêng theo quy định
tại Điều 33, 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm:
+ Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất,
kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp
khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản
riêng mà các bên đã chia trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa
kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài
sản chung;
+ Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản
chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng
cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;
+ Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng
đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài
sản chung.
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm:
+ Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài
sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được
chia riêng cho vợ, chồng theo thỏa thuận; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của
vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của
vợ, chồng;
+ Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản
riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ
hôn nhân phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là
tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác .
d) Nợ chung:
Nếu trong thời kỳ hôn nhân, các bên có phát sinh các khoản nợ chung thì
yêu cầu Tòa án giải quyết về nợ chung. Trường hợp không có yêu cầu chia nợ
chung thì trình bày là không yêu cầu Tòa án giải quyết về nợ chung.
Nguyên tắc xác định nợ chung, nợ riêng của vợ, chồng:
- Nợ chung: là
những khoản nợ phát sinh từ giao dịch hằng ngày do vợ, chồng cùng thỏa thuận
xác lập hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
là nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu thiết yếu của gia
đình.
- Nơ riêng: là
những khoản nợ có trước thời kỳ hôn nhân của vợ/chồng hoặc là những khoản do vợ/chồng
vay mượn mà không sử dụng vào mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Bước 2: Gửi đơn xin ly hôn đơn phương:
Người có yêu cầu đơn phương ly hôn chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành theo mẫu;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); nếu không có thì có thể
xin cấp bản sao…
- Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… của vợ và
chồng; sổ hộ khẩu của gia đình;
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;
- Nếu có tài sản chung và yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn thì
chuẩn bị giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung này…
Căn cứ theo quy định tại 35, 37, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người
có yêu cầu đơn phương ly hôn nộp các giấy tờ trên đến: Tòa án nhân dân cấp huyện
nơi người bị yêu cầu ly hôn đơn phương cư trú hoặc làm việc; trường hợp có yếu
tố nước ngoài thì người yêu cầu gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Bước 3: Tòa án thụ lý đơn và giải quyết
Khi nhận được yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn, Tòa án sẽ ra thông
báo tạm ứng án phí. Theo đó, giá ngạch của mức án phí ly hôn đơn phương là
300.000 đồng. Trường hợp có yêu cầu giải quyết về tài sản chung thì căn cứ vào
giá trị tài sản được phân chia để tính giá ngạch án phí theo Nghị quyết số326/2016/UBTVQH14.
Sau khi đã đóng án phí, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án và giải quyết
các yêu cầu của người yêu cầu đơn phương ly hôn.
Bước 4: Tòa án ra bản án ly hôn
Nếu không hòa giải thành và xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ