Bộ Tư pháp trả lời về thời hạn sử dụng của bản sao chứng thực
VANTHONGLAW - “Tôi xin hỏi, có quy định nào về thời hạn sử dụng và giá trị pháp lý của bản sao y công chứng (có chứng thực) hay không? Vừa qua, khi tôi đi nộp các hồ sơ chứng từ thì cán bộ từ chối tiếp nhận với lý do bản sao quá 6 tháng và đề nghị tôi sao y lại.”
Trên đây là câu hỏi của một người dân gửi về cho Cổng Thông tin điện tử về giải đáp chính sách online. Và trên thực tế, Bộ Tư pháp đã nhận được rất nhiều phản ánh cũng như kiến nghị của người dân yêu cầu giải đáp về thời hạn sử dụng và giá trị pháp lý của bản sao chứng thực từ bản chính. Chính vì lẽ đó, ngày 23/9/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 3574 để trả lời về vấn đề trên với nội dung cụ thể như sau:
“Hiện nay, pháp luật chứng thực không quy định về thời hạn sử dụng bản sao chứng thực từ bản chính. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu khi chứng thực. Trường hợp bản chính có sự thay đổi thông tin, nội dung thì bản sao đã được chứng thực trước đó không có giá trị sử dụng thay cho bản chính hiện tại. Bên cạnh đó, khi thực hiện các thủ tục hành chính, nếu pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”
Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau:
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
4. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Từ nội dung trả lời trên, có thể thấy rằng, hiện nay bản sao chứng thực từ bản chính không còn quy định về thời hạn sử dụng nữa mà có thể sử dụng trong khoảng thời gian dài và thay cho bản chính, chỉ trừ trường hợp bản chính có sự thay đổi thông tin, nội dung thì bản sao đó mới không còn giá trị sử dụng thay cho bản chính hiện tại.
Như vậy, Công văn trên của Bộ Tư pháp đã giải quyết được các vấn đề trong việc áp dụng không đồng nhất thời hạn sử dụng của bản sao chứng thực từ bản chính tại các cơ quan Nhà nước, đồng thời làm giảm thủ tục rắc rối cho người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ