Chế độ thai sản của người lao động năm 2022

    Chế độ thai sản của người lao động năm 2022


VANTHONGLAW - Phụ nữ trong thời kỳ thai sản cần phải đặc biệt lưu ý đến tình trạng thể chất, chế độ dinh dưỡng cũng như là sức khỏe tinh thần để đảm bảo trẻ nhỏ sinh ra được khỏe mạnh về tâm lý cũng như cơ thể. Chính vì vậy, pháp luật lao động cần phải quy định về chế độ nghỉ thai sản một cách hợp lý và khoa học để người lao động nữ khi mang thai có thể an tâm chăm sóc cho bản thân và trẻ nhỏ, đồng thời giảm được tình trạng bóc lột lao động. 

Bài liên quan:

1. Điều kiện và thời gian hưởng chế độ thai sản:

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Lao động nữ mang thai;

- Lao động nữ sinh con;

- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Đối với trường hợp lao động nữ sinh con, mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải thỏa điều kiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi mới đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản.

Thời gian hưởng chế độ khi khám thai:

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần:

- Mỗi lần 01 ngày nếu người mang thai không có bệnh lý, thai bình thường và không ở xa cơ sở khám bệnh;

- Mỗi lần 02 ngày nếu người mang thai ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường.

Thời gian người lao động được nghỉ khám thai tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần.

Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:

Lao động nữ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng không quá thời gian nghỉ việc được quy định như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời gian hưởng chế độ khi sinh con:

- Lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh là không quá 02 tháng. (khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội)

- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 05 ngày làm việc; Trường hợp khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ 07 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, sinh từ ba con trở lên thì cứ thêm một con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; Trường hợp sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam trong các trường hợp này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

- Trường hợp sau khi sinh con, mà con chết:

+ Nếu con dưới 02 tháng tuổi thì người mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; 

+ Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá tổng thời gian nghỉ việc được quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

Thời gian nghỉ trong trường hợp sau khi sinh con mà con chết không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

- Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Tất cả các trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên (trừ trường hợp lao động nam đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) thì thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ:

- Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

- Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Thời gian hưởng chế độ khi nhận con nuôi:

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai:

 Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng không chỉ được nghỉ tối đa:

- 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;

- 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Thời gian hưởng chế độ thai sản trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

2. Mức hưởng chế độ thai sản:

Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động thuộc trường hợp được hưởng chế độ thai sản có mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

- Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi: mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;

- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì những đối tượng sau sẽ có mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đóng bảo hiểm xã hội:

+ Lao động nữ hưởng chế độ khi khám thai;

+ Lao động nữ hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý;

+ Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản;

+ Cha được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ do mẹ chết sau khi sinh con;

+ Cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội;

+ Cha được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi theo quy định tại khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh khai.

3. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:

Ngoài thời gian hưởng chế độ thai sản. Lao động nữ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, lao động nữ sinh con, sau khi sinh con mà con chết mà trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc, sức khỏe chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày theo quy định sau:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trêb do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.

Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

4. Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con:

Lao động nữ sinh con, lao động nữ sau khi sinh con mà con chết có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;

- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG

Powered by Blogger.