Doanh nghiệp chưa đăng ký có được ký kết hợp đồng?
Bài liên quan:
Chúng tôi xin được trả lời câu hỏi của quý bạn như sau:
Doanh nghiệp là đối tượng được định nghĩa tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”
Nghĩa là để đảm bảo điều kiện được công nhận là một doanh nghiệp thì tổ chức phải có đủ các điều kiện sau:
Có tên riêng;
Có tài sản riêng;
Có trụ sở giao dịch;
Được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Có thể thấy, một trong các điều kiện quan trọng để được xem là một doanh nghiệp thì tổ chức phải được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật. Vì vậy, khi chưa được đăng ký thành công thì doanh nghiệp chưa được xem là tổ chức có tư cách pháp nhân và được thực hiện việc ký kết hợp đồng. (trừ doanh nghiệp tư nhân bởi vì đây là tổ chức không có tư cách pháp nhân).
Tuy nhiên thực tế cho thấy, để một doanh nghiệp có thể được thành lập và đi vào hoạt động một cách ổn định thì người thành lập doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chu đáo và có những kế hoạch rõ ràng từ trước. Chính vì vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ thể thành lập doanh nghiệp là cá nhân hoặc tổ chức có quyền ký kết các hợp đồng trước hoặc trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp với mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động doanh nghiệp. Ví dụ như: hợp đồng thuê trụ sở; hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty Luật; hợp đồng thỏa thuận về quản lý, điều hành;...
Như vậy, trước khi doanh nghiệp được đăng ký thì người đứng ra ký kết hợp đồng là chủ thể thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ là người đứng ra ký kết hợp đồng. Bởi việc ký kết hợp đồng dẫn đến 02 hệ quả pháp lý căn cứ theo khoản 2, 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau
1. Thứ nhất, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết trước đó và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
Theo đó, việc chuyển giao nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự là sự thỏa thuận giữa bên có nghĩa vụ với người thứ ba (người thế nghĩa vụ) trên cơ sở đồng ý của bên mang quyền, theo đó người thế nghĩa vụ sẽ trở thành bên có nghĩa vụ mới, thực hiện nghĩa vụ trước bên mang quyền. Tức là, trước khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận thì chủ thể thành lập sẽ đứng ra ký kết hợp đồng thay cho doanh nghiệp cho đến khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận thì doanh nghiệp sẽ trở thành bên có nghĩa vụ mới đối với bên còn lại trong hợp đồng.
2. Thứ hai, doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận:
Trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì chủ thể thành lập doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.
Có thể thấy, quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của bên còn lại trong giao kết hợp đồng trước khi đăng ký doanh nghiệp. Tức là quyền và nghĩa vụ của họ vẫn được đảm bảo dù doanh nghiệp có được thành lập không. Và trong trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký kinh doanh thì gặp rủi ro là người ký kết hợp đồng nhân danh mình hoặc những người thành lập liên đới chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên việc phân biệt về nghĩa vụ như trên chỉ phát sinh đối với doanh nghiệp có loại hình là công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh chứ không phát sinh đối với doanh nghiệp tư nhân. Bởi khác với những loại hình doanh nghiệp khác có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và trong mọi trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đều phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với vấn đề phát sinh từ doanh nghiệp còn vấn đề chịu trách nhiệm của hợp đồng ký trước khi thành lập doanh nghiệp chỉ đặt ra đối với người thành lập doanh nghiệp là thành viên công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông sáng lập công ty cổ phần.
Tóm lại, trước khi doanh nghiệp được đăng ký thì người thành lập doanh nghiệp sẽ là người đứng ra ký kết những hợp đồng thay doanh nghiệp và việc phân biệt trách nhiệm giữa người thành lập doanh nghiệp là nhằm mục đích bảo vệ bên còn lại của hợp đồng để khi có tranh chấp xảy ra việc xác định trách nhiệm trở nên rõ ràng hơn.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ