Luật Hồi tỵ - Bài học về chế độ quản lý cán bộ, quan chức thời phong kiến
Luật Hồi tỵ - Bài học về chế độ quản lý cán bộ, quan chức thời phong kiến
VANTHONGLAW - Hồi tỵ (là từ Hán Việt, mang nghĩa tránh xa hoặc tránh né). Luật Hồi tỵ là luật quy định không cho những người thân như cha con, anh em, họ hàng, bạn bè cùng học, người cùng quê hoặc thông gia không được làm quan cùng một chỗ. Ngoài ra, Luật Hồi tỵ còn được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, Hội, Đình để ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ nâng đỡ, bao che, câu kết với người thân.
Thời phong kiến ở nước ta, có luật không cho cha con, anh em, họ hàng hoặc thông gia cùng làm việc một chỗ, gọi là luật “hồi tỵ”.
Thời vua Lê Thánh Tông, hồi tỵ được luật hóa trong Luật Hồng Đức, quy định việc quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, làm nhà nơi mình làm quan lớn; không được dùng người cùng quê giúp việc.
Sang đời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, như quan lại nếu có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ phải đổi đi chỗ khác; không được làm quan ở quê vợ, nơi đi học lúc còn trẻ; người có quan hệ thông gia, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.
Luật Hồi tỵ đời vua Minh Mạng còn nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản.
Trước đó, ngay từ thời Lý, hoạt động luân chuyển quan lại dần trở thành chế độ thường xuyên trong sử dụng đội ngũ quan lại thời phong kiến.
Nội dung của hoạt động điều chuyển quan lại là chuyển một viên quan từ vị trí này sang vị trí khác trong hệ thống quan trường, hay chuyển từ địa bàn trị nhậm của một viên quan từ nơi này sang nơi khác.
Việc luân chuyển có thể diễn ra đối với từng vị trí ở cấp Trung ương, có thể là sự điều động từ Trung ương xuống địa phương và ngược lại.
Hoạt động thăng, giáng chức cũng là hoạt động diễn ra bình thường. Có công được phong, có tội bị giáng, thậm chí bị cách hết mọi chức tước, nhưng sau đó vẫn có thể được phục hồi như cũ nếu có thành tích nổi bật.
Việc luân chuyển nhằm mục đích phát huy tối đa năng lực của quan lại thông qua việc điều chuyển sang vị trí thích hợp hơn, tạo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của quan lại, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định. Ngoài ra còn phòng tránh việc quan lại lợi dụng thời gian trị nhiệm lâu dài tại một địa phương hay một vị trí nào đó để gây thanh thế lớn, có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự an toàn của chế độ quân chủ.
Đến thời Trần, việc luân chuyển quan lại diễn ra thường xuyên hơn, được thực hiện bằng các quy định cụ thể của Nhà nước, thể hiện rõ trong việc điều động, phân bổ quan lại.
Dưới thời Lê Thánh Tông, hoạt động luân chuyển quan lại diễn ra dồn dập, quy mô rõ rệt. Trong lịch sử ghi nhận nhiều công thần khai quốc vốn bị tước hết quyền lực ở thời Lê Lợi nhưng đến thời Lê Thánh Tông lại được bổ dụng trở lại như Lê Khuyên được phục chức Nhập nội thiếu uý, Tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự thái giám, Lê Khiêm được cử làm Đô áp nha tri tư bản sự.
Các quy định chế độ quan chức thời phong kiến vẫn giữ được giá trị lịch sử.
Những bài học từ lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu biết, nghiên cứu, vận dụng vào thời đại ngày nay, nhất là về chế độ, trách nhiệm trong công tác luân chuyển cán bộ.
Nguồn: TRANG FANPAGE THÔNG TIN CHÍNH PHỦ
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ