Mô hình tổ chức công ty cổ phần? Ưu và nhược điểm của từng mô hình?
Mô hình tổ chức công ty cổ phần? Ưu và nhược điểm của từng mô hình?
VANTHONGLAW - Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, công ty cổ phần có hai mô hình tổ chức quản lý là mô hình có Ban Kiểm soát hoặc mô hình có Uỷ ban kiểm toán. Mỗi mô hình tổ chức sẽ có đặc điểm cũng như là ưu, nhược điểm khác nhau. Bài viết này sẽ phân tích về từng mô hình tổ chức trong công ty cổ phần theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có thể lựa chọn một trong hai mô hình sau (trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác):
Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
Mô hình 2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
Điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa hai mô hình tổ chức, quản lý trên là một mô hình sẽ theo hướng thành lập Ban Kiểm soát còn một mô hình là thành lập Ủy ban kiểm toán. Mặc dù là hai mô hình tổ chức khác nhau những về cơ bản nhiệm vụ, chức năng và vai trò của mỗi cơ quan là tương tự nhau.
1. Mô hình 1:
- Đại hội đồng cổ đông được quy định tại Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết. Đây là cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong công ty cổ phần. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần để thảo luận và thông qua các vấn đề sau:
+ Kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
+ Báo cáo tài chính hằng năm;
+ Báo cáo của Hội đồng quản trị về quản trị và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị và từng thành viên Hội đồng quản trị;
+ Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của công ty, kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
+ Báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên;
+ Mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại;
+ Vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông còn có thể họp bất thường theo triệu tập của Hội đồng quản trị.
- Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý của công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên và mỗi thành viên trong Hội đồng có nhiệm kỳ không quá 05 năm và được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ do Hội đồng quản trị bầu trong số các thành viên Hội đồng quản trị.
- Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 thành viên, các thành viên có nhiệm kỳ 05 năm và được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Ban kiểm soát phải có Trưởng Ban do các Kiểm soát viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số.
- Giám đốc, Tổng giám đốc do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một trong các thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Giám đốc, Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc, Tổng giám đốc không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
2. Mô hình 2:
Các cơ quan quản lý trong mô hình 2 này có chức năng, nhiệm vụ như mô hình một ngoại trừ việc thay đổi cơ quan Ban kiểm soát thành Ủy ban kiểm toán. Theo đó, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị chuyên thực hiện chức năng quản trị, quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và các hoạt động liên quan đến tài chính. Ủy ban kiểm soát có từ 02 thành viên và không giới hạn số lượng, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị và thành viên của Ủy ban phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành (các cá nhân không giữ chức vụ như Giám đốc, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc,..).
3. Ưu, nhược điểm của từng mô hình.
Giữa 02 mô hình tổ chức, quản lý trên thì mô hình 1 được xem là mô hình đơn giản, phù hợp với các công ty có quy mô nhỏ.
Đối với những công ty có quy mô vừa và lớn thì mô hình 1 bộc lộ những khuyết điểm vì Ban kiểm soát có ít thành viên, không đủ sức để quản lý rủi ro trong một tổ chức phức tạp, quy mô lớn. Trên thực tế, Ủy ban kiểm soát có vai trò rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề tài chính trong công ty cổ phần nhằm tránh các bê bối tài chính - nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của phần lớn các doanh nghiệp.
Thực chất, mô hình có Ủy ban kiểm toán là mô hình quản lý công ty phổ biến ở các nước Anh, Mỹ vì mang lại lợi ích to lớn trong việc kiểm soát tài chính công ty. Tuy nhiên, trước nay Việt Nam chưa công nhận mô hình này mà mãi đến khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thì Ủy ban kiểm soát mới được ghi nhận. Và cùng với sự phát triển về kinh tế, sự giao thương giữa các quốc gia thì hiện nay tại Việt Nam, các công ty cổ phần cũng đang có xu hướng lựa chọn mô hình có Ủy ban kiểm toán thay cho Ban kiểm soát. Theo tác giả, việc lựa chọn thành lập Ủy ban kiểm toán sẽ giúp cho công ty hoạt động một cách ổn định, hiệu quả và rõ ràng, minh bạch trong vấn đề tài chính; đồng thời nếu công ty có nhu cầu hợp tác với các công ty nước ngoài thì mô hình công ty có Ủy ban kiểm toán sẽ tạo sự gần gũi và an tâm hơn cho các đối tác nước ngoài trong quá trình hợp tác.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ