Quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi năm 2022

 

VANTHONGLAW - Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 mở ra hướng cho phép các Tổ chức tín dụng phá sản khiến người dân cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền, điều đó cũng đồng nghĩa người dân khi lựa chọn nơi gửi tiền cũng cần lưu ý về những quy định của pháp luật về loại hình bảo hiểm này để có thể bảo vệ quyền lợi của bản thân một cách tốt nhất. 

Bài liên quan:


1. Đối tượng được nhận bảo hiểm tiền gửi: 

Người được nhận bảo hiểm tiền gửi theo Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 là "cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi." Căn cứ theo quy định trên thì đồi tượng được nhận bảo hiểm tiền gửi là :

  • Cá nhân gửi tiền vào tổ chức được nhận tiền gửi cá nhân, có tham gia bảo hiểm tiền gửi;
  • Và tiền gửi đó được bảo hiểm tại tổ chức đó.

Theo đó, những tổ chức tham gia tiền gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 26/8/2013 của Chính Phú:

"Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng."

Bên cạnh đó, người gửi tiền có thể kiểm tra xem ngân hàng mình gửi tiền có tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật hay không bằng cách kiểm tra bản sao Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, được niêm yết công khai tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi. Bởi việc niêm yết công khai bản sao Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm xã hội là bắt buộc đối với ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại Điều 15 Luật Bảo hiểm.


Ngoài ra theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Bảo hiểm tiền gửi thì người gửi tiền có thể “yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi.” để nắm được rõ các thông tin có đúng hay phát hiện có sai sót thì thông báo cho tổ chức bảo hiểm hoặc ngân hàng nơi nhận tiền gửi để bảo vệ quyền lợi của bản thân một cách kịp thời. 


2. Loại tiền gửi được được hưởng bảo hiểm tiền gửi:


Người gửi tiền tại ngân hàng cần lưu ý rằng không phải loại tiền gửi nào cũng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà chỉ có những loại tiền gửi được quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi mới được hưởng bảo hiểm tiền gửi:

“Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”

Trường hợp tiền gửi không được hưởng bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm:

“1. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

2. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

3. Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.”

3. Trường hợp người gửi tiền được nhận bảo hiểm tiền gửi:


Theo khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi, khi ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản thì người gửi tiền sẽ được nhận bảo hiểm tiền gửi, cụ thể tại Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi thì nghĩa vụ phát sinh việc chi trả bảo hiểm tiền gửi khi:

  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà ngân hàng vẫn lâm vào tình trạng phá sản 

  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả  tiền gửi cho người gửi tiền.

Có thể thấy, trường hợp ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền thì người gửi tiền sẽ được chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hạn mức bởi tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốctiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm theo Quyết định của Thủ tướng theo từng thời kỳ. 


4. Tổ chức chi trả bảo hiểm tiền gửi:


Tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi là tổ chức thực hiện việc chi trả tiền gửi cho người nhận bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. Việc xác định số tiền chi trả cho người nhận bảo hiểm dựa trên hồ sơ của ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi sau khi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi. 


Kết thúc giai đoạn kiểm tra, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo. 


Dựa trên những thông tin đã thông báo, người được bảo hiểm tiền gửi chuẩn bị các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại ngân hàng để nhận tiền bảo hiểm. Tiền bảo hiểm được gửi trực tiếp cho người nhận bởi tổ chức bảo hiểm hoặc tổ chức bảo hiểm sẽ ủy quyền cho ngân hàng khác thực hiện (ngân hàng này có tham gia bảo hiểm tiền gửi nhưng không phải ngân hàng đã phá sản trước đó)


5. Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi năm 2022:


Hiện nay, theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 20/10/2021 thì số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc lẫn lãi) của một người là 125.000.000 đồng (Một trăm hai mươi lăm triệu đồng)


Trường hợp nghĩa vụ trả tiền gửi cho người gửi tiền phát sinh trước ngày Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 có hiệu lực mà chưa được chi trả theo quy định của pháp luật thì hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng là 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng).

Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.