Quy định về bảo vệ sức khỏe người lao động
Quy định về bảo vệ sức khỏe người lao động
VANTHONGLAW - Sức khỏe của người lao động được xem là nguồn lực kinh tế của đất nước cũng như là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp. Việc đào tạo và bảo vệ nguồn nhân lực giỏi, có sức khỏe và tài năng sẽ là cơ sở để phát triển nền kinh tế quốc gia cũng như là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe lao động phải là mục tiêu và chính sách hàng đầu trong quá trình hội nhập và phát triển. Vậy pháp luật Việt Nam quy định thế nào về bảo vệ sức khỏe người lao động? Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề trên.
Đầu tiên, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi tham gia vào các quan hệ lao động, pháp luật quy định người lao động phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân trong trường hợp người sử dụng lao động có yêu cầu.
Bên cạnh đó, pháp luật lao động cũng đặt ra một số quy định nhằm bảo vệ cho sức khỏe người lao động như sau:
1. Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe trong trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động:
Trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh mà đáp ứng đủ các điều kiện để được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 thì công việc mà người sử dụng lao động bố trí cho người lao động phải phù hợp với sức khỏe cũng như là giới tính của người lao động.
Ví dụ: người lao động nữ đang làm công việc kế toán trong doanh nghiệp mà bị bố trí vào công việc khuân vác hàng.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước trong trường hợp người sử dụng lao động có hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe lao động:
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải đáp ứng các quy định về thời hạn báo trước.
Hiện nay, pháp luật không quy định hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm những hành vi nào. Tuy nhiên, theo quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới WHO định nghĩa về sức khỏe của con người thì “sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”.
Như vậy, sức khỏe lao động không chỉ được xác định là sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần của người lao động. Hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe lao động không chỉ giới hạn là hành vi làm ảnh hưởng đến thể chất của người lao động mà còn là hành vi làm ảnh hưởng đến tâm thần, trạng thái tâm lý của người lao động.
3. Được quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc trong trường hợp thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe:
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người lao động trong trường hợp thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình thì có quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc. Trong trường hợp này, pháp luật quy định người lao động vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động. Tuy nhiên, khi đó người lao động phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.
4. Không được xâm phạm sức khỏe người lao động khi xử lý kỷ luật lao động:
Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động được pháp luật cho phép là:
- Khiển trách;
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;
- Cách chức;
- Sa thải.
Theo đó, đối với bất kỳ hành vi xử lý kỷ luật nào khác ngoài 04 hình thức kỷ luật trên đều vi phạm quy định pháp luật. Trong đó, hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động là một trong những hành vi cấm khi xử lý kỷ luật đối với người lao động.
5. Quy định về bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong một số trường hợp cụ thể:
● Người lao động chưa thành niên
Tại Điều 144 Bộ luật Lao động 2019, khi người sử dụng lao động sử dụng người lao động là người chưa thành viên thì phải đảm bảo các nguyên tắc về sức khỏe như sau:
- Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách;
- Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động;
- Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
● Người lao động cao tuổi
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 149 Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động cao tuổi trong trường hợp nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động (trừ trường hợp đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn). Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải có trách nhiệm quan tâm và chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.
● Người lao động là người khuyết tật
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 159 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
Những nhóm người lao động kể trên là những nhóm người có sức khỏe dễ bị tổn hại bao gồm cả thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, pháp luật quy định người sử dụng lao động khi sử dụng lao động thuộc các nhóm trên thì phải tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo sức khỏe cho người lao động bao gồm khám sức khỏe định kỳ và sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe người lao động.
6. Người lao động được khám sức khỏe hằng năm:
Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động (đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần).
Ngoài ra, khi khám định kỳ, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản và người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Toàn bộ chi phí cho hoạt động khám sức khỏe phải được người sử dụng lao động chi trả.
7. Quy định về điều dưỡng, phục hồi sức khỏe:
Ngoài những quy định về khám sức khỏe và đảm bảo tình trạng sức khỏe cho người lao động, pháp luật còn khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2018: “các vấn đề sức khỏe liên quan đến công việc dẫn đến hậu quả giảm 4-6% GDP cho hầu hết các quốc gia. Các dịch vụ y tế cơ bản để ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến công việc có chi phí trung bình từ 18 đô la Mỹ đến 60 đô la Mỹ (sức mua tương đương (ppp)) cho mỗi công nhân.”
Qua đó, có thể thấy rằng việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người lao động là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm không chỉ của Nhà nước mà còn các doanh nghiệp. Bởi lẽ, sức lao động cũng được xem là một loại hàng hóa đặc biệt mà sức khỏe là một yếu tố quan trọng tạo nên sức lao động. Một khi sức khỏe lao động bị thuyên giảm, không được đầu tư chăm sóc, bảo vệ đồng nghĩa với việc các sản phẩm lao động sẽ ít và kém chất lượng hơn. Đồng thời khi sức khỏe lao động bị suy giảm thì Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng có trách nhiệm chi trả các dịch vụ y tế sức khỏe. Từ đó, nền kinh tế sẽ bị thất thoát và suy giảm nhiều hơn. Ngoài ra, người lao động cũng cần nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình để tự bảo vệ bản thân khỏi hành vi xâm phạm sức khỏe của người sử dụng lao động.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ