Quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
VANTHONGLAW - Người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ thể cũng như là có khả năng bị các bệnh nghề nghiệp. Chính vì vậy, ngoài việc đảm bảo an toàn trong môi trường lao động, Nhà nước còn đề ra những quy định về quyền lợi cũng như chế độ lao động dành riêng cho nhóm người lao động này nhằm hạn chế các rủi ro sức khỏe cho nhóm lao động này.
Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là những nghề, công việc được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liệt kê trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đính kèm tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH. Theo đó có 1.838 nghề, công việc thuộc nhóm danh mục này, bao gồm:
- Nhóm ngành khai thác khoáng sản: 108 nghề/công việc;
- Nhóm ngành cơ khí, luyện kim: 180 nghề/công việc;
- Nhóm ngành hóa chất: 159 nghề/công việc;
- Nhóm ngành vận tải: 100 nghề/công việc;
- Nhóm ngành xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi: 58 nghề/công việc;
- Nhóm ngành điện: 100 nghề/công việc;
- Nhóm ngành thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông: 39 nghề/công việc;
- Nhóm ngành sản xuất xi măng: 39 nghề/công việc;
- Nhóm ngành sành sứ, thủy tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ: 52 nghề/công việc;
- Nhóm ngành da giày, dệt may: 58 nghề/công việc;
- Nhóm ngành nông nghiệp và lâm nghiệp (bao gồm trồng trọt, khai thác, chế biến nông, lâm sản, chăn nuôi - chế biến gia súc, gia cầm): 118 nghề/công việc;
- Nhóm ngành thương mại: 47 nghề/công việc;
- Nhóm ngành phát thanh, truyền hình: 18 nghề/công việc;
- Nhóm ngành dự trữ quốc gia: 05 nghề/công việc;
- Nhóm ngành y tế và dược: 66 nghề/công việc;
- Nhóm ngành thủy lợi: 21 nghề/công việc;
- Nhóm ngành cơ yếu: 17 nghề/công việc;
- Nhóm ngành địa chất: 24 nghề/công việc;
- Nhóm ngành xây dựng (xây lắp): 12 nghề/công việc;
- Nhóm ngành vệ sinh môi trường: 27 nghề/công việc;
- Nhóm ngành sản xuất gạch, gốm, sứ, đá, cát, sỏi, kính xây dựng, vật liệu xây dựng: 46 nghề/công việc;
- Nhóm ngành sản xuất thuốc lá: 32 nghề/công việc;
- Nhóm ngành địa chính: 06 nghề/công việc;
- Nhóm ngành khí tượng thủy văn: 08 nghề/công việc;
- Nhóm ngành khoa học công nghệ: 57 nghề/công việc;
- Nhóm ngành hàng không: 55 nghề/công việc;
- Nhóm ngành sản xuất, chế biến muối ăn: 03 nghề/công việc;
- Nhóm ngành thể dục - thể thao, văn hóa thông tin: 47 nghề/công việc;
- Nhóm ngành thương binh và xã hội: 14 nghề/công việc;
- Nhóm ngành bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát: 23 nghề/công việc;
- Nhóm ngành du lịch: 08 nghề/công việc;
- Nhóm ngành ngân hàng: 16 nghề/công việc;
- Nhóm ngành sản xuất giấy: 24 nghề/công việc;
- Nhóm ngành thủy sản: 38 nghề/công việc;
- Nhóm ngành dầu khí: 119 nghề/công việc;
- Nhóm ngành chế biến thực phẩm: 14 nghề/công việc;
- Nhóm ngành giáo dục - đào tạo: 04 nghề/công việc;
- Nhóm ngành hải quan: 09 nghề/công việc;
- Nhóm ngành sản xuất ô tô xe máy: 23 nghề/công việc;
- Nhóm ngành lưu trữ: 01 nghề/công việc;
- Nhóm ngành tài nguyên môi trường: 24 nghề/công việc;
- Nhóm ngành cao su: 19 nghề/công việc.
Việc xác định công việc là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải căn cứ vào tên nghề, công việc thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành và đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc được mô tả kèm theo để xác định nghề, công việc tương ứng tại công ty có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hay không.
Những người làm công việc mà được xác định là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng các chế độ riêng như sau:
1. Nghỉ hằng năm:
Cụ thể, tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 có quy định ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường là 12 ngày làm việc; đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ là 16 ngày làm việc.
2. Chế độ ốm đau:
Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nghỉ hưởng chế độ ốm đau của người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;
- 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm;
- 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
3. Chế độ bệnh nghề nghiệp:
Theo quy định tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp với mức trợ cấp như sau:
- Trợ cấp một lần cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%: suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ 01 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị;
- Trợ cấp hằng tháng: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài ra, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
4. Chế độ hưu trí:
Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về chế độ hưu trí của người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
"3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
5. Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật:
Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Mức bồi dưỡng: bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:
- Mức 1: 10.000 đồng;
- Mức 2: 15.000 đồng;
- Mức 3: 20.000 đồng;
- Mức 4: 25.000 đồng.
Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ