Có áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố?
Có áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố?
Bài liên quan:
1. Thời hiệu khởi kiện là gì?
Thời hiệu khởi kiện trong pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng theo quy định về thời hiệu được quy định tại BLDS 2015, theo đó, căn cứ tại khoản 3 Điều 150 BLDS 2015 thì thời hiệu khởi kiện là:
“...là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”
Như vậy, thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian mà cá nhân, tổ chức, cơ quan khi nhận thấy quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm được quyền thực hiện việc khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền. Nếu quá thời hạn khởi kiện theo luật định mà người có quyền khởi kiện không khởi kiện thì sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định trên. Thời hạn để khởi kiện đối với từng trường hợp cụ thể như: đối với khởi kiện về hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (điều 429 BLDS 2015); đối với khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588 BLDS 2015);...
Tuy nhiên, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện trong vụ án không được Tòa án áp dụng một cách chủ động mà phải có yêu cầu từ một hoặc các bên đương sự trong vụ án với điều kiện yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện phải được đưa ra trước khi Tòa ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.
2. Yêu cầu phản tố là gì?
Trong vụ án tranh chấp, nguyên đơn là người thực hiện việc khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi bị đơn - người bị nguyên đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị bị đơn xâm phạm. Nếu nguyên đơn có quyền thực hiện việc khởi kiện thì theo quy định tại Điều 72 và khoản 1 Điều 200 BLTTDS 2015, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn.
“Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn
1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
2. Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.
3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
5. Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
6. Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.“
“Điều 200. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn
1. Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”
Từ hai quy định trên, có thể hiểu yêu cầu phản tố là một trong những quyền lợi được trao cho bị đơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bởi trước khi có quyết định của Tòa thì những nhận định cho rằng bị đơn xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn vẫn chỉ là nhận định mang tính chủ quan nên bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn trong cùng một vụ án để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình một cách chính đáng.
3. Có áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố không?
Việc áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố là một trong những vấn đề gây tranh cãi trước đây bởi tồn tại hai nhóm ý kiến đối lập về vấn đề này:
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng nên áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố, cụ thể là thời hiệu khởi kiện. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, bản chất của yêu cầu phản tố giống như việc khởi kiện ngược lại nguyên đơn của bị đơn bởi nếu Tòa án thụ lý yêu cầu phản tố thì bị đơn cũng phải nộp tạm ứng án phí (Điều 146 BLTTDS 2015); thủ tục đối với yêu cầu phản tố được thực hiện giống thủ tục yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Điều 202 BLTTDS 2015). Bên cạnh đó, yêu cầu phản tố có thể trở thành yêu cầu khởi kiện khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn (Điều 245 BLTTDS 2015).
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố vì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 200 BLTTDS 2015 “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.”, tức là bị đơn nếu có yêu cầu phản tố chỉ cần nộp trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là phù hợp với thủ tục luật định. Ngoài ra, bị đơn là người bị kiện, yêu cầu phản tố là yêu cầu đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tức là có yêu cầu khởi kiện thì mới có yêu cầu phản tố nên việc áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố là không hợp lý.
Tuy nhiên, sự ra đời của Án lệ số 44/2021 về việc xác định thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố đã thừa nhận việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố, điều này được thể hiện qua nội dung của án lệ như sau:
“[2] Về yêu cầu phản tố, nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm tại Bản án số 82/2020/KDTM-PT về việc yêu cầu phản tố không bị giới hạn bởi thời hiệu khởi kiện (tr. 15) là không đúng. Theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, yêu cầu phản tố là yêu cầu không nằm trong yêu cầu của nguyên đơn, có thể được giải quyết bằng một vụ án độc lập; việc giải quyết yêu cầu phản tố trong cùng vụ án là để kết quả giải quyết chính xác và nhanh hơn. Yêu cầu phản tố cũng chính là yêu cầu khởi kiện nên phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện. Do đó, trường hợp có yêu cầu phản tố và có đương sự trong vụ án đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện thì Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định xem yêu cầu phản tố có còn thời hiệu khởi kiện hay không mới đúng quy định pháp luật.”
Có thể thấy, Án lệ đã trực tiếp phủ nhận việc yêu cầu phản tố không bị giới hạn bởi thời hiệu khởi kiện và công nhận yêu cầu phản tố cũng chính là yêu cầu khởi kiện nên phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện. Vì thế, yêu cầu phản tố có áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định của BLTTDS 2015 và các quy định khác có liên quan.
4. Ý nghĩa của áp dụng yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố:
Áp dụng thời hiệu khởi kiện là một trong những quyền lợi của đương sự trong các vụ án dân sự nói chung. Việc đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện nhằm mục đích xem xét liệu yêu cầu đó còn trong thời hạn khởi kiện hay không, nếu không thì người khởi kiện sẽ mất quyền khởi kiện đối với yêu cầu đó và theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án do thời hiệu khởi kiện đã hết. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp theo quy định khoản 1, Điều 218 BLTTDS 2015.
Về bản chất, yêu cầu phản tố được xem như một yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự nên lợi thế từ việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện cũng chính là lợi thế khi áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố. Bên cạnh đó, hiện nay việc công nhận áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố không được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật nào mà mới được thừa nhận qua Án lệ số 44/2021, từ nội dung Án lệ ta có thể hiểu, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố thì sẽ được dựa trên những quy định về thời hiệu khởi kiện trong BLDS 2015.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ