Vai trò của biên bản giao nhận tiền vay trong tranh chấp về Hợp đồng cho vay

    

VANTHONGLAW - Trên thực tế, tranh chấp về Hợp đồng cho vay xảy ra khi một trong các bên trong hợp đồng nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, cụ thể trong bài viết này là khi bên vay tiền không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ trả tiền như hai bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng cho vay nên bên cho vay có thể tiến hành việc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để kiện đòi lại tiền. Nhưng hiện nay, khi quy định về pháp luật dân sự không yêu cầu về mặt hình thức phải lập thành văn bản hay phải công chứng mới được xem là có hiệu lực đối với loại hợp đồng này nên việc các bên không lập biên bản giao nhận tiền vay là điều không hiếm xảy ra. Vậy nếu thiếu đi văn bản này có ảnh hưởng như thế nào nếu hai bên phát sinh tranh chấp và khởi kiện ra Tòa án hay không? Kính mời quý bạn đọc đón xem bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.

Bài liên quan:


1. Biên bản giao nhận tiền vay là gì?


Biên bản giao nhận tiền vay được hiểu là một văn bản bao gồm các nội dung: bên giao tiền, bên nhận tiền, số tiền được giao, thời gian và địa điểm giao tiền,... nhằm chứng minh có xảy ra giao dịch giữa hai bên cho vay và bên vay. 


Pháp luật không có quy định cụ thể về hình thức và nội dung của loại văn bản này nhằm tôn trọng sự thỏa thuận và tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện giao dịch giữa các bên trong hoạt động cho vay tài sản này. Mẫu Biên bản giao, nhận tiền có thể tham khảo. 


Trong tranh chấp về Hợp đồng cho vay và theo quy định tại khoản 1 Điều 94 BLTTDS 2015 thì Biên bản giao nhận tiền được xem như là chứng cứ thuộc trường hợp là “Tài liệu có thể đọc được”. Tuy nhiên, khi nộp loại chứng cứ này cho Tòa án, đương sự lưu ý phải nộp  bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp thì mới được công nhận là chứng cứ và được Tòa án chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 95 BLTTDS 2015


2. Vai trò của biên bản giao nhận tiền trong tranh chấp về Hợp đồng cho vay:


Trong tranh chấp về Hợp đồng cho vay, cụ thể là đòi lại tiền thì vấn đề cần được giải quyết chính là lợi ích hợp pháp của các bên đương sự bởi theo quy định tại Điều 4 BLTTDS 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Và khi thực hiện quyền khởi kiện thì đương sự có nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cụ thể trong trường hợp tranh chấp về kiện đòi tài sản thì biên nhận được xem là một trong những chứng cứ cần thiết để: 


  • Khẳng định có hay không việc vay mượn tiền giữa hai bên.

  • Đảm bảo quyền lợi cũng như ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan.

  • Là cơ sở để cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự được chính xác và đúng pháp luật.


Từ những vai trò nêu trên, yếu tố khẳng định có hay không việc vay mượn tiền giữa hai bên là một trong những vai trò quan trọng cũng như chủ chốt của biên bản giao nhận tiền. Bởi trên thực tế có xảy ra việc hai bên thỏa thuận cho vay tiền và chỉ ký mỗi hợp đồng vay mượn mà không làm biên bản giao/nhận tiền, đến khi có tranh chấp xảy ra thì bên vay tiền không đồng ý yêu cầu đòi tiền của bên cho vay và từ chối thực hiện nghĩa vụ trả tiền với lý do chưa nhận số tiền vay theo hợp đồng vay tiền hai bên đã ký trước đó. Từ đó có thể thấy, biên nhận tài sản là một trong những chứng cứ quan trọng mà đương sự có thể nộp cho Tòa án để chứng minh cho yêu cầu đòi lại tài sản của mình là có căn cứ và hợp pháp, đồng thời giúp Tòa án dễ dàng hơn trong công tác thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án. 


3. Giải quyết thế nào khi không có biên nhận tài sản:


Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, cụ thể tại khoản 5 Điều 70 BLTTDS 2015 thì đương sự trong vụ án dân sự có nghĩa vụ:

“Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Với hiện trạng vay mượn tiền là hoạt động hết sức phổ biến trong xã hội, thậm chí không cần phải xác lập hợp đồng bằng văn bản để được công nhận hiệu lực của hợp đồng nên việc không có biên bản giao nhận tiền giữa hai bên là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên về vai trò của Biên nhận tài sản thì việc thiếu mất chứng cứ này có thể gây bất lợi cho đương sự bởi họ thiếu đi một căn cứ quan trọng để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp. 


Trong trường hợp đương sự không thể đưa ra hay thực hiện được việc thu thập chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp thì có thể:

“Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản” - theo quy định tại khoản 7 Điều 70 BLTTDS 2015.

Ngoài ra nếu thiếu đi biên bản giao nhận tiền thì đương sự có thể cung cấp các loại chứng cứ khác để chứng minh có xảy ra giao dịch giao nhận tiền giữa các bên như: băng ghi âm, ghi hình liên quan đến việc vay tiền, giấy tờ/biên lại chuyển khoản, giải ngân…; đưa ra nhân chứng biết về mối quan hệ, giao dịch… để Tòa án có căn cứ giải quyết vụ án.


Kết luận lại, Biên bản giao nhận tiền vay là một trong những chứng cứ quan trọng trong tranh chấp về Hợp đồng cho vay bởi đây là căn cứ chứng minh dễ dáng nhất việc có xảy ra giao dịch cho vay tiền cũng như đảm bảo được quyền lợi và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Tuy nhiên, nếu trong tranh chấp về Hợp đồng cho vay thiếu đi văn bản này thì đương sự có thể thu thập những chứng cứ khác để chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc nhờ đến sự trợ giúp của Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Vậy nên quá trình giải quyết vụ án có thể bị kéo dài lâu hơn do Tòa án hoặc đương sự phải thu thập chứng cứ khác, thời gian giải quyết vụ án lâu có thể gây bất lợi không mong muốn cho đương sự. Thế nên, để đảm bảo cho quyền lợi hợp pháp của bản thân và sự minh bạch trong hoạt động cho vay tiền, cũng như tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án của Tòa án khi có tranh chấp xảy ra, các bên vẫn nên lập Biên bản giao, nhận tiền với nội dung thông tin đầy đủ để giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra sau này. 

Ánh Tuyết
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.