Giấy tờ có giá là gì? Các loại giấy tờ có giá theo quy định pháp luật
Giấy tờ có giá là gì? Các loại giấy tờ các giá theo quy định pháp luật
VANTHONGLAW - Giấy tờ có giá là một loại tài sản được quy định trong Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được đâu là giấy tờ có giá và đâu là giấy tờ chỉ có tác dụng ghi nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Bài viết này sẽ phân tích rõ các đặc điểm của giấy tờ có giá để giúp người đọc hình dung và phân biệt được đâu là loại giấy tờ có giá.
Bài liên quan:
I. Đặc điểm của giấy tờ có giá
Được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 là một loại tài sản. Đồng thời được giải thích tại Điều 2 Thông tư số 01/2012/TT-NHNN như sau:
“1. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.
2. Giấy tờ có giá dài hạn là giấy tờ có giá có thời hạn từ một năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
3. Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.”
Như vậy, có thể hiểu giấy tờ có giá (gọi tắt là "GTCG") chính là những giấy tờ là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác. GTCG có hai loại là:
- Giấy tờ có giá dài hạn (có thời hạn từ 01 năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán);
- Giấy tờ có giá ngắn hạn (có thời hạn dưới 01 năm kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán).
Từ những khái niệm trên, có thể rút ra rằng giấy tờ có giá có 04 đặc điểm sau:
1. Xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xác định;
2. Trị giá được bằng tiền (định giá được bằng tiền);
3. Có thể chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể khác trong giao dịch dân sự;
4. Có tính thanh khoản (có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt).
II. Các loại giấy tờ có giá
Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 không quy định rõ ràng về các loại giấy tờ có giá, nhưng tại điểm c khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của TAND Tối cao có quy định giấy tờ có giá bao gồm:
a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Luật các công cụ chuyển nhượng;
b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại Pháp lệnh ngoại hối;
c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại Luật quản lý nợ công;
d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại Luật chứng khoán.
Ngoài ra, cũng trong Công văn số 141 nêu trên, TAND Tối cao cũng xác định rằng các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô… không phải là “Giấy tờ có giá”. Do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý do không phải là tài sản.
III. Một số thắc mắc liên quan đến giấy tờ có giá
Vừa qua, một quý bạn đọc đã có thắc mắc rằng liệu vé số, sổ tiết kiệm có phải là “Giấy tờ có giá” không?
Câu trả lời là không. Bởi lẽ, vé số và sổ tiết kiệm không đáp ứng đủ 04 yếu tố để được xem là giấy tờ có giá và cũng không được quy định là loại giấy tờ có giá trong Công văn số 141/TANDTC-KHXX.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ