Người tố cáo có buộc phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình trong đơn tố cáo?
Bài liên quan:
I. Hình thức tố cáo theo quy định của pháp luật:
Theo quy định về pháp luật tố cáo thì có hai hình thức tố cáo đúng quy định là:
- Tố cáo qua đơn.
- Trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Đối với cá nhân khi thực hiện việc tố cáo thông qua đơn tố cáo thì theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo 2018 thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.
Đối với cá nhân khi thực hiện tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tố cáo 2018 (ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan). Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
II. Người tố cáo có buộc phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình trong đơn tố cáo?
Thông qua hai hình thức tố cáo theo quy định của pháp luật như trên, người tố cáo đều phải làm đơn tố cáo, có thể là trực tiếp hay gián tiếp và đều phải ghi rõ họ tên, địa chỉ và cách thức liên hệ với người tố cáo. Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo 2018 thì người tố cáo có nghĩa vụ phải “Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này;”, những thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 bao gồm: họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ.
Như vậy, khi thực hiện việc tố cáo, người tố cáo buộc phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình trong đơn tố cáo. Quy định như vậy nhằm khiến cho người tố cáo có trách nhiệm hơn khi thực hiện việc tố cáo của mình, để tránh tình trạng làm dụng việc tố cáo để tố cáo sai sự thật, tố cáo tràn lan, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết. Đồng thời, nghĩa vụ của người tố cáo theo quy định của Luật tố cáo là người tố cáo phải chịu trách nhiệm về pháp luật về nội dung tố cáo nên việc cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, địa chỉ và cách thức liên hệ của bản thân trong đơn tố cáo là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với những người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để cố ý tố cáo sai sự thật thì Điều 65 Luật Tố cáo năm 2018 quy định chế tài xử lý như sau:
“Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.”
III. Tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ liên hệ có được thụ lý giải quyết?
Thực tế hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo nhận được rất nhiều đơn tố cáo nặc danh - không ghi rõ họ tên, địa chỉ hoặc cố tình ghi sai lệch thông tin cá nhân dẫn đến cơ quan giải quyết tố cáo gặp khó khăn và không thực hiện liên hệ được với người tố cáo để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung, hành vi bị tố cáo.
Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý Nhà nước nói chung và sự phức tạp trong công tác phòng chống tham nhũng nói riêng thì những lá đơn tố cáo tuy không có thông tin đầy đủ của người tố cáo nhưng có những giá trị nhất định trong việc thực hiện những công tác nêu trên. Về vấn đề này, pháp luật có những quy định cụ thể như sau:
Khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo 2018:
“Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo nêu trên có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.”
“Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo thì người xử lý đơn báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, quyết định việc thanh tra, kiểm tra hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để quyết định việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.”
“Không xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, hoặc sử dụng họ tên của người khác; hoặc nội dung tố cáo đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết mà người tố cáo không đưa ra được chứng cứ mới. Nếu thông tin tố cáo không rõ tên người tố cáo nhưng cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý”
Từ những quy định trên có thể thấy, tuy việc gửi đơn tố cáo không ghi rõ thông tin (họ tên, địa chỉ, cách thức liên lạc) của người tố cáo là vi phạm về hình thức tố cáo nhưng nếu kèm theo việc gửi đơn tố cáo, người tố cáo cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Nhìn chung, tố cáo là một trong những quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam 2013 và được thể chế hóa qua Luật Tố cáo và những văn bản pháp luật khác có liên quan khác. Tuy tố cáo là quyền công dân nhưng để tránh tình trạng lạm dụng quyền tố cáo để nhằm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người bị tố cáo nên pháp luật về tố cáo buộc người tố cáo khi tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình trong đơn tố cáo nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như sự cân nhắc kỹ lưỡng của cá nhân trước khi thực hiện quyền này. Bên cạnh đó, sự đóng góp của những lá đơn tố cáo tuy giấu tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng góp phần giúp cơ quan Nhà nước phát hiện ra những hành vi sai phạm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hoặc vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhưng không ai dám đứng ra tố cáo. Chính vì vậy, pháp luật về tố cáo không tuyệt đối phủ nhận những lá đơn tố cáo nặc danh nếu kèm theo đơn đó là những chứng cứ, tài liệu cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ