Thủ tục công bố mỹ phẩm theo đúng quy định của pháp luật
Thủ tục công bố mỹ phẩm theo đúng quy định pháp luật
Bài liên quan:
1. Sản phẩm mỹ phẩm là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế, sản phẩm mỹ phẩm được định nghĩa như sau:
“Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.”
Đồng thời, mỹ phẩm chính là một trong những loại sản phẩm, hàng hóa thuộc sự điều chỉnh, quản lý của Bộ Y tế theo quy định của pháp luật.
2. Công bố sản phẩm mỹ phẩm là gì?
Công bố sản phẩm mỹ phẩm là một trong những thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật về y tế nhằm mục đích đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông trên thị trường một cách hợp pháp. Trong đó, lưu thông mỹ phẩm ra thị trường là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu về kho lưu giữ. Như vậy, trước khi mỹ phẩm được đem ra giao dịch trên thị trường hay nói cách khác là đem ra mua bán thì phải thực hiện thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 thì thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm phải chịu lệ phí theo quy định của pháp luật.
3. Ai là người có trách nhiệm phải công bố sản phẩm?
Về chủ thể phải công bố sản phẩm mỹ phẩm, căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 quy định như sau:
“Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là tổ chức, cá nhân đứng tên trên hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm mỹ phẩm đó trên thị trường.”
Từ quy định trên có thể thấy người phải thực hiện thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, theo khoản 3 Điều 3 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam. Như vậy, các tổ chức, cá nhân đó có thể là một trong những chủ thể sau:
- Công ty sản xuất trong nước
- Đại lý được uỷ quyền bởi nhà sản xuất để bán sản phẩm ra thị trường
- Công ty chịu trách nhiệm bán sản phẩm trên thị trường Việt Nam.
4. Thời điểm thực hiện thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 thì:
“Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.”
Từ quy định trên có thể hiểu trước khi mỹ phẩm được lưu đưa ra lưu thông hợp pháp trên thị trường thì phải được công bố trước đó. Sau khi thực hiện thủ tục công bố và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm thì cá nhân, tổ chức có thể đưa mỹ phẩm ra thị trường để lưu thông.
5. Thủ tục công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ công bố mỹ phẩm gồm những văn bản sau
1. Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố
(bản mềm của Phiếu công bố);
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà
sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm
đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng
đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu
trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Đối với sản
phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp
pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp
hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền
phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư này.
3. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp
công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều
1 Thông tư số 29/2020/TT-BYT, trừ các trường hợp được miễn.
Bước 2: Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Đối với mỹ phẩm nhập khẩu: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.
Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. Sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất, đóng gói từ bán thành phẩm nhập khẩu được coi như sản phẩm sản xuất trong nước.
Đối với mỹ phẩm kinh doanh trong phạm vi Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh thực hiện công bố tại Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; mỹ phẩm kinh doanh trong phạm vi Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị thực hiện công bố tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị.
Việc đưa mỹ phẩm từ Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh vào các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh hoặc đưa vào thị trường nội địa để kinh doanh; đưa mỹ phẩm từ Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị vào thị trường nội địa để kinh doanh phải thực hiện công bố tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế theo quy định của Thông tư này (tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm mỹ phẩm phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam và nằm ngoài 2 khu này).
Bước 3: Nộp lệ phí công bố mỹ phẩm
Công bố mỹ phẩm nhập khẩu, người làm thủ tục cần phải Nộp phí / lệ phí công bố mỹ phẩm ngay khi có giấy tiếp nhận hồ sơ của Cục Quản lý Dược.
Đối với Hồ sơ công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước, lệ phí công bố có thể được thu trước hoặc thu sau tùy từng địa phương. Tuy nhiên, người làm thủ tục nên hỏi rõ cơ quan tiếp nhận hồ sơ để nộp lệ phí vì nộp lệ phí cũng là một trong những thủ tục để cơ quan có thẩm quyền trả kết quả một cách nhanh chóng.
Mức phí / lệ phí Cấp số tiếp nhận Phiếu Công bố mỹ phẩm là 500.000 đồng/bộ hồ sơ (áp dụng cho cả mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước).
Bước 4: Trả kết quả
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Trường hợp hồ sơ công bố chưa đáp ứng theo quy định thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố biết các nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nêu cụ thể các nội dung chưa đáp ứng).
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung đáp ứng theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Trường hợp hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng theo quy định của Thông tư này thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho sản phẩm này.
Lưu ý: Khi hồ sơ công bố mỹ phẩm chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật và cá nhân, tổ chức nhân được thông báo nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì phải lưu ý thời hạn bổ sung hồ sơ là 03 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng ban hành văn bản thông báo. Trường hợp quá 03 tháng mà cá nhân, tổ chức không nộp bổ sung đủ hồ sơ như trong nội dung thông báo yêu cầu thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị. Nếu cá nhân, tổ chức muốn tiếp tục thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm thì phải nộp hồ sơ mới và nộp lệ phí mới theo quy định của pháp luật.
6. Hệ quả pháp lý khi không công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật:
Theo quy định tại Điều 68 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 thì đối với hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm sẽ bị:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
- Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng;
- Áp dụng hình thức bắt buộc khắc phục hậu quả là buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm vi phạm.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG