Tiktoker đăng clip có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục bị xử lý như thế nào?
Tiktoker đăng clip có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục bị xử lý như thế nào?
VANTHONGLAW - Thời gian vừa qua, trên các nền tảng xã hội đang lan truyền đoạn clip của một hot tiktoker với tiêu đề “Một ngày tử tế của Nô, người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó, tập 3003”. Với tiêu đề mang tính tích cực, làm việc thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những tưởng chiếc video đó sẽ trở nên thịnh hành và giúp lan truyền năng lượng tích cực đến với những người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, trái ngược lại với suy nghĩ trên, cả tiktoker - người tạo ra video và cả video ấy đều bị cộng đồng mạng kêu gọi nhau tẩy chay và báo cáo nội dung trên nền tảng tiktok.
Nguyên nhân của sự việc trên là do trong video Một ngày tử tế của Nô, hot tiktoker Nờ Ô Nô đã có những lời lẽ khó nghe, không đúng chuẩn mực, trái với thuần phong mỹ tục. Nội dung xây dựng trong video là tiktoker Nờ Ô Nô sẽ tìm đến những người có hoàn cảnh khó khăn và hỏi họ thích ăn gì, sau đó Nô sẽ đi mua những món yêu thích của người đó. Tuy nhiên, trong đoạn video được đăng tải, tiktoker Nờ Ô Nô đã có những lời lẽ không đúng mực, cụ thể lời chào đầu tiên mà hot tiktoker này chào một người phụ nữ khoảng tầm 50 tuổi là “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”. Ngoài ra, trong suốt video, tiktoker này còn có những lời lẽ khiếm nhã, thể hiện sự không tôn trọng đối với người được giúp đỡ như: “Xưa giờ bà có món gì muốn ăn mà không có tiền mua không?”, “nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn, giờ hỏi lại có ăn hay không?”, “cái số khổ”, “chúc bà nhiều sức khỏe, vượt qua mùa đông cô đơn, nghèo khổ, bớt nghèo lại đi nha! Không ai giúp hoài đâu!”.
Như đã biết, mạng xã hội là một phương tiện truyền thông nhanh nhất hiện nay và cũng là con dao hai lưỡi khi sử dụng mà thiếu sự cẩn thận. Do đó, khi video chỉ vừa được đăng tải lên thì tiktoker này đã nhận được vô vàn “gạch đá” từ “giang cư mận”, sau đó thì tài khoản tiktoker này cũng bị khóa bởi tiktok. Cùng với sự lên án mạnh mẽ về hành động thiếu lịch sự, không tôn trọng người lớn tuổi của cộng đồng mạng đối với tiktoker này, ngày 29/11/2022, Thanh tra Sở Truyền thông & Thông tin TP.HCM đã phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP.HCM làm việc với chủ tài khoản tiktok Nờ Ô Nô là ông P.Đ.T về việc đăng tải video clip “Một ngày tử tế của Nô, người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó, Tập 3003”.
Theo đó, cơ quan chức năng nhận định video này có nội dung phản cảm, không tôn trọng người cao tuổi, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chính vì lẽ trên, Thanh tra Sở đã lập Biên bản vi phạm và ban hành Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức phạt 7,5 triệu đồng.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa bổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”
Như vậy, hành vi thiếu lịch sự, không tôn trọng người cao tuổi và có những lời lẽ không đúng chuẩn mực xã hội của tiktoker Nờ Ô Nô đã vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, cụ thể là chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Mức xử phạt tối thiểu đối với hành vi này là 10.000.000 đồng, tuy nhiên, Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng có quy định về các tình tiết giảm nhẹ khi xử phạt. Do đó, đối với mức xử phạt 7,5 triệu đồng nêu trên có thể xuất phát từ việc cơ quan chức năng đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này.
Từ sự việc trên cũng nhắc ta nhớ đến việc xử phạt ông Nguyễn Văn Hưng - chủ sử dụng kênh youtube Hưng Vlog (con trai bà Tân Vlog) vào năm 2020. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hưng cũng bị xử phạt về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP do đăng tải clip có tiêu đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”.
Vậy “thuần phong mỹ tục của dân tộc” là gì? Thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc?
Hiện nay, pháp luật có quy định xử phạt về các hành vi trái với thuần phong, mỹ tục nhưng vẫn chưa có một quy định mang tính định tính “thuần phong mỹ tục” là gì. Trước đây, Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có quy định về việc đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc nhưng cũng đã hết hiệu lực từ ngày 30/8/2016.
Ở khía cạnh xã hội, khái niệm thuần phong mỹ tục được hiểu nôm na là những phong tục, tập quán, lối sống văn minh, những điều tốt đẹp đã có từ lâu đời, ăn sâu vào đời sống xã hội và được đại đa số người công nhận và làm theo.
Nhưng vấn đề đặt ra là, mỗi khu vực, lãnh thổ, quốc gia sẽ có những phong tục, tập quán, lối sống khác nhau, những quan điểm, niềm tin về tính nhân văn riêng biệt hoặc có đôi khi là đối lập nhau. Do đó mỗi người sống trong các cộng đồng dân cư khác nhau, khu vực khác nhau chắc chắn sẽ có quan điểm về cách sống, sự ứng xử khác nhau. Vậy trên cơ sở nào để các cơ quan chức năng nhận định một hành vi là trái với thuần phong mỹ tục? Câu trả lời là chưa có cơ sở cụ thể nào. Bởi lẽ, hiện nay việc xác định hành vi trái thuần phong mỹ tục trên mạng hầu như là đang dựa trên sự lên án của cộng đồng mạng. Chính vì vậy, đòi hỏi pháp luật cần phải đặt ra những quy định cụ thể hơn để có căn cứ xử phạt hành vi trái thuần phong mỹ tục một cách thống nhất và rõ ràng.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ