Khi nào kết thúc thời gian thử việc nhưng không cần phải ký tiếp hợp đồng lao động?
Bài liên quan:
Theo quy định của pháp luật, thỏa thuận về thử việc giữa người lao động và người sử dụng lao động phải tuân thủ theo hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”
Qua quy định nêu trên, pháp luật không cho phép thử việc bằng hình thức miệng mà phải được thỏa thuận bằng một trong hai hình thức văn bản sau:
Hợp đồng thử việc;
Hợp đồng lao động, trong đó có nội dung về thử việc;
Bên cạnh đó, trong hợp đồng thử việc hay nội dung phần thử việc trong hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu như sau:
Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
Công việc và địa điểm làm việc;
Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
Thời gian thử việc;
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Bộ Luật Lao động 2019, hệ quả của kết thúc thời gian thử việc như sau:
“1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.”
Từ quy định trên, có thể thấy để chuyển từ quan hệ lao động thử việc sang quan hệ hợp đồng lao động, đòi hỏi phải tồn tại hợp đồng lao động giao kết giữa hai bên, hợp đồng này có thể là Hợp đồng lao động được ký kết sau giai đoạn thử việc hoặc Hợp đồng lao động được ký kết trước đó và có điều khoản thỏa thuận về thử việc trong đó.
Vậy nên, khi kết thúc giai đoạn thử việc và người lao động muốn trở thành nhân viên chính thức tại nơi mình đã thử việc thì tùy vào việc trước đó người lao động đã ký Hợp đồng thử việc hay Hợp đồng lao động có nội dung thử việc để làm cơ sở trả lời cho câu hỏi "Người lao động có phải ký tiếp Hợp đồng lao động sau khi kết thúc thử việc hay không?"
- Nếu trước đó người lao động ký kết hợp đồng thử việc với người sử dụng lao động thì sau đó người lao động phải ký tiếp hợp đồng lao động thì mới trở thành nhân viên chính thức tại nơi mình đã thử việc.
- Nếu trước đó, người lao động đã ký hợp đồng lao động, trong đó có thỏa thuận về thử việc thì sau khi kết thúc thử việc, người lao động không cần phải ký tiếp hợp đồng lao động để chuyển từ quan hệ thử việc sang quan hệ lao động mà vẫn có thể tiếp tục làm việc tại nơi thử việc với tư cách là người lao động chính thức.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ