Nợ xấu là gì? Các nhóm nợ xấu và căn cứ phân loại? Những ảnh hưởng do nợ xấu mang lại và cách xóa nợ xấu

Nợ xấu là gì? Các nhóm nợ xấu và căn cứ phân loại? Những ảnh hưởng do nợ xấu mang lại và cách xóa nợ xấu

VANTHONGLAW - Nợ xấu là một khái niệm quen thuộc và được quan tâm khá nhiều trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Bởi lẽ, việc tồn tại nợ xấu không chỉ làm ảnh hưởng đến những cá nhân, tổ chức vay vốn mà còn làm ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và tình hình kinh tế quốc gia nói chung.

Bài liên quan:

Vậy cụ thể, nợ xấu là gì, thời điểm và cơ sở phát sinh nợ xấu như thế nào? Bài viết này sẽ giải đáp toàn bộ những câu hỏi xoay quanh khái niệm nợ xấu này.

1.     Nợ xấu là gì?

Hiện nay. theo quy định của pháp luật thì các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ thực hiện việc phân loại nợ dựa trên hai tiêu chí là định lượng và định tính. Dựa vào một trong hai tiêu chí trên, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phân loại các khoản nợ vào 05 nhóm sau:

-        Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn

-        Nhóm 2: Nợ cần chú ý

-        Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn

-        Nhóm 4: Nợ nghi ngờ

-        Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn

Theo đó, nợ xấu sẽ là những khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5. Đây là những khoản nợ được các tổ chức tín dụng, ngân hàng đánh giá dựa trên sự định lượng, định tính là những khoản nợ khó đòi. Những khách hàng có khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 sẽ được sẽ được liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.

2.     Căn cứ phân loại các nhóm nợ

Căn cứ phân loại các nhóm nợ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

     Phương pháp định lượng được quy định cụ thể tại Điều 10 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN

Nhìn chung, tiêu chí cơ bản theo phương pháp định lượng để phân loại nợ vào các nhóm 1 -5 là dựa vào thời gian nợ quá hạn.

Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): Là những khoản nợ trong hạn và những khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng thời hạn.

Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): Là những khoản nợ quá hạn từ 90 ngày trở xuống

Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): Là những khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày

Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): Là những khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày

Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): Là những khoản nợ quá hạn trên 360 ngày

Tuy nhiên, khi các khoản nợ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 10 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN thì khoản nợ đó sẽ bị phân vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn hoặc nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo tình hình thực tế.

      Phương pháp định tính được quy định cụ thể tại Điều 11 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN

Tiêu chí cơ bản của phương pháp này là dựa vào đánh giá của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về khả năng thu hồi nợ gốc và lãi. Theo đó, việc phân loại về cơ bản như sau:

Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): Là những khoản nợ được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;

Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): Là các khoản nợ được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng có dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ;

Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): Là những khoản nợ được đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn; khoản nợ có khả năng tổn thất;

Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): Là những khoản nợ được đánh giá là có khả năng tổn thất cao;

Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): Là những khoản nợ được đánh giá là không còn khả năng thu hồi, có khả năng mất vốn.

3.     Những ảnh hưởng do nợ xấu mang lại

Các khách hàng thuộc nhóm nợ 3, 4, 5 sẽ được liệt kê vào danh sách khách hàng có nợ xấu. Danh sách nợ xấu sẽ được thông tin cho toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nên những khách hàng này sẽ rất khó để tiếp tục vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác.

Ngoài ra, khi khách hàng thanh toán toàn bộ nợ xấu thì những thông tin về việc nợ xấu của khách hàng vẫn được lưu lại trên hệ thống CIC trong thời hạn từ 03 - 05 năm. Do đó, có thể thấy rằng, việc rơi vào nhóm nợ xấu sẽ khiến người vay để lại lịch sử tín dụng xấu trong thời hạn tương đối dài và gây ảnh hưởng đến việc vay tín dụng trong tương lai.

4.     Cách kiểm tra nợ xấu

Hiện nay có 03 cách để kiểm tra bản thân có nợ xấu hay không:

Cách 1: Nhờ nhân viên ngân hàng kiểm tra: thường sẽ dễ áp dụng đối với trường hợp có người quen làm ở ngân hàng hoặc khi đi vay vốn ngân hàng.

Cách 2: Nhờ nhân viên tài chính kiểm tra: cách này chỉ có nhân viên làm ở công ty tài chính lớn mới kiểm tra được và cách này cũng sẽ mất phí.

Cách 3: Kiểm tra trực tiếp trên hệ thống CIC (trên app hoặc trên website).

5.     Cách xóa nợ xấu

Cách đơn giản nhất để xóa các khoản nợ xấu là khách hàng phải hoàn tất nghĩa vụ trả nợ và thông báo ngay sau đó với đơn vị quản lý nợ để yêu cầu xác minh khoản nợ đã được thanh toán. Chậm nhất là sau 05 năm kể từ ngày hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, tình trạng của khách hàng sẽ trở lại bình thường, có thể đi vay vốn theo nhu cầu.

6.     Cách xin gỡ bỏ lịch sử nợ xấu

Thực tế hiện nay, các tổ chức tín dụng đang áp dụng một cách quá cứng nhắc các quy định về phân loại nợ, thậm chí còn quy định thêm những điều khoản phân loại nợ trong nội bộ tổ chức làm tăng thêm trách nhiệm của khách hàng, loại trừ hết toàn bộ rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Điều này đã khiến không ít trường hợp khách hàng bị đưa tên vào danh sách khách hàng có nợ xấu mặc dù lỗi vi phạm của họ là không đáng kể.

Do đó, hiện nay Chính phủ đã quy định về thẩm quyền cũng như là phương thức để xử lý các trường hợp cập nhật thông tin nợ xấu không chính xác như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 18 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

“Điều 18. Giải quyết khiếu nại

1. Trường hợp khách hàng vay phát hiện thông tin tín dụng về bản thân có sai sót, khách hàng vay có quyền khiếu nại với CIC, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức tự nguyện (sau đây gọi là tổ chức tiếp nhận khiếu nại) để yêu cầu kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin, nhưng không được lợi dụng khiếu nại sai sự thật.

Việc khiếu nại có thể thực hiện qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu, căn cứ chứng minh dữ liệu có sai sót.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo cho khách hàng vay biết. Trường hợp cần bổ sung thông tin để có cơ sở xác minh, giải quyết, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo để khách hàng vay cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại hợp lệ, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải xem xét, điều chỉnh dữ liệu sai sót và thông báo cho khách hàng vay biết. Trường hợp phải thực hiện việc kiểm tra, xác minh nội dung yêu cầu khiếu nại tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức tiếp nhận khiếu nại được kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay biết về nguyên nhân kéo dài thời gian.

4. Trường hợp thông tin tín dụng bị sai sót gây bất lợi cho khách hàng vay, CIC phải gửi thông báo đính chính sai sót cho đơn vị sử dụng. Khi nhận được thông báo đính chính sai sót, đơn vị sử dụng phải xem xét lại quyết định cấp tín dụng.

5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo cho khách hàng vay về kết quả giải quyết khiếu nại.”

Khoản 8 Điều 3 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN quy định tổ chức tự nguyện bao gồm:

- Công ty có chức năng mua bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty thông tin tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán;

- Tổ chức trong và ngoài nước tham gia tài trợ tín dụng tại Việt Nam hoặc có nhu cầu cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tại nước ngoài;

- Tổ chức khác có nhu cầu tham gia hệ thống thông tin tín dụng và được CIC chấp thuận.

Như vậy, trong trường hợp khách hàng bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu của CIC nhưng cho rằng có sự sai sót, không hợp lý thì có quyền khiếu nại đến CIC, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức tự nguyện để yêu cầu kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin.

Việc khiếu nại có thể thực hiện thông qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản nhưng phải nêu rõ lý do và có đính kèm các tài liệu, căn cứ chứng minh dữ liệu có sai sót.

Thời hạn giải quyết khiếu nại chậm nhất là 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, trong đó:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo cho khách hàng vay biết. Trường hợp cần bổ sung thông tin để có cơ sở xác minh, giải quyết, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo để khách hàng vay cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại hợp lệ, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải xem xét, điều chỉnh dữ liệu sai sót và thông báo cho khách hàng vay biết.

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo cho khách hàng vay về kết quả giải quyết khiếu nại.

Tuy nhiên, trong trường hợp phải thực hiện việc kiểm tra, xác minh nội dung yêu cầu khiếu nại tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức tiếp nhận khiếu nại được kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay biết về nguyên nhân kéo dài thời gian.

Trường hợp thông tin tín dụng bị sai sót gây bất lợi cho khách hàng vay, CIC phải gửi thông báo đính chính sai sót cho đơn vị sử dụng. Khi nhận được thông báo đính chính sai sót, đơn vị sử dụng phải xem xét lại quyết định cấp tín dụng.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.