Nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm theo quy định pháp luật

  Nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm theo quy định pháp luật

VANTHONGLAW - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về 5 nguyên tắc trong giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm là: nguyên tắc trung thực tuyệt đối, nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm, nguyên tắc bồi thường, nguyên tắc thế quyền, nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên. Trong đó, nguyên tắc thế quyền là nguyên tắc quan trọng nhằm giúp người được bảo hiểm và công ty bảo hiểm thuận lợi hơn trong việc chi trả bảo hiểm và yêu cầu bên thứ ba gây thiệt hại bồi thường. 

Bài liên quan:


      I.          Nội dung và bản chất của nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm

Theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nguyên tắc thế quyền được định nghĩa là: “người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.”

Dựa vào định nghĩa trên, có thể thấy rằng nguyên tắc thế quyền là một phương tiện giúp công ty bảo hiểm có thể truy đòi người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền mà công ty bảo hiểm đã chi trả cho người được bảo hiểm khi xảy ra trách nhiệm chi trả.

Nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm thực chất chính là nguyên tắc phái sinh trong chế định chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, khoản 1 Điều 365 và khoản 1 Điều 370 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ như sau:

Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu

1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ

1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.”

Về bản chất, quan hệ bảo hiểm cũng chính là quan hệ dân sự, do đó việc Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định không áp dụng nguyên tắc thế quyền đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là phù hợp với nguyên tắc chuyển giao trong Bộ luật Dân sự 2015 là không chuyển giao quyền và nghĩa vụ gắn liền với nhân thân.

   II.          Ý nghĩa của nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm

Nguyên tắc thế quyền là nguyên tắc giúp hạn chế tối đa thiệt thòi cho bên tham gia bảo hiểm và cả công ty bảo hiểm. Bởi lẽ:

- Đối với công ty bảo hiểm: Việc áp dụng nguyên tắc thế quyền sẽ làm giảm gánh nặng cho công ty bảo hiểm khi phải chi trả một khoản phí bảo hiểm lớn do lỗi của bên thứ ba gây ra; Tránh việc bên tham gia bảo hiểm được nhận bồi thường hai lần đối với cùng một tổn thất (trường hợp bên gây thiệt hại đã bồi thường nhưng bên tham gia bảo hiểm vẫn yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường).

- Đối với bên tham gia bảo hiểm: Được công ty bảo hiểm giải quyết chi trả sớm cho khoản thiệt hại; Không phải tham gia các vụ khiếu kiện làm kéo dài thời gian được bồi thường khi có thiệt hại xảy ra; Không phải thực hiện nhiều thủ tục khiếu kiện.

- Ngoài ra, nguyên tắc này còn cho thấy sự công bằng của pháp luật trong việc xác định nghĩa vụ bồi thường của bên gây thiệt hại.

Tuy nhiên, cần lưu ý, công ty bảo hiểm chỉ được đòi người thứ ba bồi hoàn trong phạm vi số tiền mà công ty bảo hiểm đã chi trả cho bên tham gia bảo hiểm. Và bên tham gia bảo hiểm phải cam kết bảo lưu quyền khởi kiện cho công ty bảo hiểm

Ví dụ về nguyên tắc thế quyền:

A tham gia bảo hiểm cháy, nổ cho kho của mình. B là công ty bảo hiểm cho A. Kho của A bị cháy do kho bên cạnh là kho của C cháy lan sang, thiệt hại của vụ cháy là 500.000.000 đồng. Như vậy, áp dụng nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm thì công ty B sẽ có trách nhiệm bồi thường cho bên A và yêu cầu bên A cung cấp đầy đủ các giấy tờ và chứng cứ liên quan để công ty B có cơ sở khiếu kiện yêu cầu C bồi hoàn lại số tiền 500.000.000 đồng cho mình.

 

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG

Powered by Blogger.