Người lao động có được bồi thường khi bị trả lương trễ không?

 Người lao động có được bồi thường khi bị trả lương trễ không?


VANTHONGLAW - Lương, thưởng và các chế độ phúc lợi luôn là một trong những mối bận tâm hàng đầu của người lao động. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp Công ty trả lương cho người lao động trễ hơn so với thời gian đã thoả thuận, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và gây khó khăn trong việc chi trả phí sinh hoạt của người lao động. Câu hỏi được đặt ra trong tình huống này là người lao động có được bồi thường khi bị trả lương trễ hay không? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Bài liên quan:

>>> Thủ tục khởi kiện đòi tiền lương như thế nào?
>>> Quy định về hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động hiện hành
>>> Quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
>>> Khi nào kết thúc thời gian thử việc nhưng không cần phải ký tiếp hợp đồng lao động?
>>> 
Thủ tục kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam

1. Người sử dụng lao động được trả lương trễ tối đa bao nhiêu ngày?

“Điều 97. Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.”

Theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động hiện hành, trường hợp vì lý do bất khả kháng, dù đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thể khắc phục thì người sử dụng lao động được trả lương trễ cho người lao động trong thời gian không quá 30 ngày, ngay cả khi đã gửi thông báo cho người lao động biết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể về nghĩa vụ phải thông báo khi trả lương trễ của người sử dụng lao động.

2. Mức đền bù cho người lao động bị “trễ lương”

Mức đền bù cho người lao động khi bị chậm trả lương cũng được quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:

- Trường hợp trả lương trễ từ 15 ngày trở lên (ngay cả khi vì lý do bất khả kháng, người sử dụng lao động được phép trả lương trễ tối đa 30 ngày nêu trên): Người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm. Số tiền lãi này được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

- Trường hợp trả lương trễ dưới 15 ngày (trong trường hợp bất khả kháng): Người sử dụng lao động không phải trả thêm phần đền bù.

3. Công ty chậm trả lương cho người lao động có bị phạt không?

Bên cạnh việc phải trả một khoản đền bù theo quy định nêu trên, khi chậm trả lương, người sử dụng lao động còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và trả thêm khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động. Điều này được quy định chi tiết tại khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

"Điều 17. Vi phạm quy định về tiền lương

...

2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; … theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

...

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

..."

Trên đây là quy định về mức xử phạt đối với cá nhân. Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền đối với tổ chức có hành vi vi phạm là gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, tuỳ vào số lượng người lao động bị chậm trả lương mà người sử dụng lao động có thể bị xử phạt lên đến 100.000.000 đồng và buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động. Khoản tiền lãi này được tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, khi bị “trễ lương” không vì lý do bất khả kháng, người lao động còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước được quy định tại khoản 1 Điều này.

Trên đây là một số quy định pháp luật mà người lao động và người sử dụng lao động cần nắm rõ để đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình. 

Nhất Vinh

---
Khách hàng có nhu cầu "Khởi kiện đòi tiền lương; tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.tracuuphapluat.net
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ

LUẬT VẠN THÔNG

Powered by Blogger.